Ngân hàng Nhà nước: Không phải là tiền pháp lệnh
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2-3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú (ảnh) đánh giá gần đây vấn đề về tiền ảo và đầu tư vào tiền ảo đang rộ lên.
“Chúng tôi khẳng định tiền ảo bitcoin hoặc một số loại tiền khác không phải đồng tiền pháp lệnh (hình thức tiền tệ do chính phủ ban hành và được Việt Nam xem là hợp pháp - PV). Nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp” - ông Tú nói.
Phó Thống đốc cũng cho rằng đây không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.
Bộ Tài chính: Đầu tư trái phép
Bộ Tài chính vừa phát đi cảnh báo nêu rõ: Hiện nay các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức.
Điển hình như mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỉ giá... Đây không phải là một loại chứng khoán.
Bộ Tài chính khẳng định hiện tại chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
“Việt Nam cũng chưa có quy định pháp lý về việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo” - Bộ Tài chính khẳng định.
Xem thêm: lmth.392079-gnom-ov-gnuhc-ioc-ip-neit-oad-ox-od/et-hnik/nv.olp