- Bình Phước cũng đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch
- Bắc Giang muốn chuyển sân bay Kép thành cảng hàng không lưỡng dụng
Đua nhau làm sân bay
Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Phước vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung Cảng hàng không Bình Phước vào Quy hoạch với lý do góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Trước đó, Sở GTVT Bắc Giang cũng đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng để thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 4 cảng hàng không. |
Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn (nằm ở TP Phan Rang) hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước. Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh dù chưa xác định được vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch; UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Là tỉnh miền núi phía Bắc với 95% người dân là đồng bào dân tộc, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch hay Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay tại huyện Bắc Quang. Ngoài việc đề nghị bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch, một số tỉnh đã có sân bay đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như: Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Bộ GTVT đang xin ý kiến về Dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không, do đó việc nhận được các đề xuất, ý kiến đóng góp cũng là điều bình thường. “Hiện đã có 22/63 tỉnh, thành có ý kiến, trong đó nhiều địa phương đề xuất bổ sung cảng hàng không vào quy hoạch.
Có 4 vấn đề lớn cần góp ý là số lượng các cảng hàng không, cơ cấu các cảng, quy mô và một số định hướng thực hiện quy hoạch, chính sách của Nhà nước để thực hiện quy hoạch”, ông Thắng cho biết. Tuy nhiên, theo ông Thắng, qua quá trình đánh giá, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn mang tính cách mạng về quy mô, năng lực.
Vẫn còn nhiều thiếu sót trong quy hoạch
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, qua kết quả nghiên cứu của Tư vấn lập quy hoạch, Việt Nam có 22 Cảng hàng không (có 9 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa), chưa có Cảng hàng không đầu mối lớn trung chuyển mang tầm khu vực thế giới.
Mặt khác, một số Cảng hàng không khai thác vượt công suất thiết kế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp, công suất các Cảng hàng không cần được cân đối cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Vì thế, ông Tuấn đề nghị các chuyên gia góp ý, đánh giá về việc xác định các hạng mục đầu tư các cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050; các cơ chế vốn đầu tư, con số dự báo, đề xuất các tỉnh bổ sung các cảng hàng không, các tiêu chí đánh giá thiết lập cảng hàng không mới, chính sách nào phát triển cho cảng hàng không…
Theo Tiến sỹ Bùi Văn Võ, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, qua nghiên cứu dự thảo quy hoạch chủ yếu tập trung cho hệ thống cảng hàng không, sân bay phục vụ loại hình hoạt động bay thương mại mà chưa bao quát tổng thể đến các loại hình khai thác khác như hàng không chung và hàng không chuyên dụng.
“Hiện nay, hầu hết các sân bay của nước ta là sân bay hỗn hợp (dân dụng và quân sự) nên cần có đánh giá cả hoạt động bay quân sự trong quy hoạch, trong đó xác định rõ ràng sân bay nào sẽ là sân bay dân dụng và bổ sung quy hoạch hệ thống sân bay chuyên dùng. Chưa kể, giai đoạn 2021-2030 có 13 cảng hàng không quốc tế và đến năm 2050 là 15 Cảng hàng không quốc tế thì số lượng này đã phù hợp hay chưa?,” ông Võ đặt vấn đề.
Cùng quan điểm trên, Phó giáo sư - Tiến sỹ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và ngược lại. Vì thế, ông đưa ra quan điểm, việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cũng là một vấn đề cần xem xét trong tổng thể để đưa ra quy hoạch và đầu tư sân bay.
Bên cạnh đó, ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển lại cho rằng, có thể sẽ là tốt hơn nếu trong 10 năm tới chỉ nên tập trung xây dựng một số sân bay trọng điểm đủ tốt và có thể cân đối được thu chi để vận hành, đồng thời nâng cao khả năng vận tải của hệ thống đường bộ kết nối giữa các cảng hàng không, điều đó dẫn đến nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tiếp thu những ý kiến phản biện vào dự thảo báo cáo quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ xem xét, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch quyết định.
Xem thêm: /317236-ta-o-neirt-tahp-gnohk-eS/us-ioht-yan-moh-ed-naV/nv.moc.dnac