Theo báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021 được công bố mới đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN nâng hạng trong bảng xếp hạng “quyền lực mềm” toàn cầu. Chỉ số này là kết quả khảo sát của Công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới - Brand Finance, có trụ sở tại London (Anh).
Brand Finance nhận định, năm 2020 là một năm hoàn toàn khác biệt, đặt các quốc gia trên thế giới vào thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng GDP. Trong bối cảnh này, “quyền lực mềm” của một quốc gia được cho là quan trọng hơn bao giờ hết.
“Quyền lực mềm” là một khái niệm do GS người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr. ở đại học Harvard (Mỹ) đưa ra lần đầu tiên trong một cuốn sách xuất bản năm 1990. Theo GS Nye, “quyền lực mềm” là khả năng gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn, nhưng không cưỡng bức, ép buộc. Ngược lại với “quyền lực cứng”, dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó.
Trở lại Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Brand Finance đã tiến hành khảo sát 75.000 người, gồm các chuyên gia, người dân của hơn 100 nước để đánh giá về “quyền lực mềm” của 105 quốc gia trên thế giới. Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ 5 tiêu chí: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia; Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia; Danh tiếng tổng thể của quốc gia; Hiệu suất trên 7 trụ cột của “quyền lực mềm” (kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị); và Khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch COVID-19.
Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 đánh giá, châu Âu và châu Á dẫn đầu trong số các quốc gia có thành tích tốt nhất, chiếm 75% trong số 20 vị trí đứng đầu của bảng xếp hạng năm nay. Trong đó, Đức thăng hạng lên vị trí số 1, trong khi Mỹ từ vị trí số 1 đã tụt hạng xuống thứ 6 do phản ứng chậm trong ứng phó đại dịch COVID-19. Nhật Bản là quốc gia châu Á có chỉ số tốt nhất và đứng ở vị trí số 2, tăng hai bậc so với năm ngoái. Còn vị trí số 3 thuộc về Anh.
Với Việt Nam, Brand Finance đánh giá uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên, phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam gây ấn tượng trong nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, khi số ca mắc và tử vong ở mức “thấp đáng kinh ngạc”.
Trong bảng xếp hạng “quyền lực mềm” toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có sự dịch chuyển, thăng 3 bậc so với năm ngoái, từ vị trí 50 lên 47. Trong khu vực Châu Á, ảnh hưởng của Việt Nam được xếp hạng 9. Tổng điểm của Việt Nam là 33,8/100, đứng trên nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Philippines, Campuchia, Myanmar và đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Đánh giá trong báo cáo, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam dường như đã quản lý khá tốt mọi mặt về chiến lược, đặc biệt là hội nhập và liên kết của thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, nhằm tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu đưa phát triển mạnh mẽ hơn 1.000 sản phẩm thành thương hiệu quốc gia. Các thương hiệu trong nước được quản lý và phát triển với nỗ lực đặc biệt trong chiến lược “Giá trị Việt Nam”. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; hoàn tất tiến trình đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam. Những điều này biến Việt Nam trở thành một yếu tố quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và nội vùng, đồng thời là yếu tố thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Samir Dixit nhận định.
Cũng theo ông Samir Dixit, những “Giá trị Việt Nam”, những đóng góp kinh tế đã góp phần quan trọng trong tổng thể tăng trưởng và danh tiếng Việt Nam, làm tăng “quyền lực mềm” của Việt Nam.
Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 có bài phỏng vấn với ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Trong đó, ông Phú nêu rõ, “quyền lực mềm” của Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới. Năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công vai trò kép Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong bối cảnh muôn vàn khó khăn là một minh chứng về vận dụng hài hòa “quyền lực mềm” trong quan hệ đa phương, song phương của Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú khẳng định: “Việt Nam được biết đến là một quốc gia an toàn. Hình ảnh này giúp Việt Nam dễ dàng thu hút đầu tư, tổ chức sự kiện và khách du lịch quốc tế, từ đó mang lại cơ hội lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Không chỉ vậy, Việt Nam đã thành công trong ứng phó và biến thách thức từ cuộc khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội quảng bá, nâng cao hình ảnh hàng Việt Nam, thương hiệu quốc gia”.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cũng khẳng định, để phát huy “quyền lực mềm”, Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện “quyền lực cứng” để tạo nên sức mạnh tổng hợp là “quyền lực thông minh” trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước./.
Thiên Bình
VOV