Từ đó đến nay, về cơ bản, ở Việt Nam không ai chỉ là con vua, và cũng không ai chỉ là con sãi.
Cho dù với những mức độ khác nhau qua từng thời kỳ, về cơ bản, cơ hội đã được mở ra tương đối công bằng cho tất cả mọi người.
Con nông dân vẫn có thể làm chủ tịch và con chủ tịch vẫn có thể làm nông dân.Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều đáng băn khoăn là việc đề bạt, bổ nhiệm con cháu của các lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương, đang xảy ra ngày một nhiều hơn.
Mới đây lại có thêm trường hợp con một lãnh đạo địa phương được đề bạt quá nhanh nhưng "đúng quy trình" làm nhiều người dị nghị. Điều này không thể không gây bức xúc và quan ngại rất lớn cho xã hội. Bởi vì không ai trong chúng ta mong muốn một trật tự xã hội bất công như trước Cách mạng Tháng Tám được âm thầm tái lập.
Việc bổ nhiệm người nhà, người thân làm tổn hại đến tính chính danh và chất lượng của nền quản trị công của đất nước. Trước hết, đây là biểu hiện rất đặc trưng của tình trạng công tư lẫn lộn.
Nếu ở cơ quan cấp trên cũng như cơ quan cấp dưới, ở cơ quan chỉ đạo cũng như cơ quan thi hành, ở cơ quan kiểm tra cũng như cơ quan xét xử… đâu đâu cũng chỉ thấy toàn người nhà ta cả thì làm sao phân biệt được đâu là việc nhà và đâu là việc nước.
Chưa nói tới rủi ro là mối quan hệ người nhà sẽ vô hiệu hóa chức năng cân bằng, kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan quản trị công.
Ngoài ra, khi cha làm quan trên, con làm quan dưới thì xung đột lợi ích là điều không thể tránh khỏi. Cha quá nghiêm khắc với con thì mọi nhà được nhờ, nhưng nhà mình lại mất nhờ và ngược lại. Đưa quan hệ ruột thịt vào công vụ sẽ rất khó xác lập kỷ cương.
Không chỉ ông bố rất khó nghiêm khắc với ông con mà tất cả các ban ngành có liên quan muốn làm gì ông con cũng ngại. Đó là chưa nói tới chuyện ông con có thể dựa vào bóng ông bố mà làm cho các cơ chế kiểm soát và áp đặt trách nhiệm bị mất hết tác dụng.
Từ hơn 500 năm trước, dưới thời của vua Lê Thánh Tông, cha ông chúng ta đã biết rất rõ rằng muốn bảo đảm sự công tâm, sự bất thiên vị, muốn phép công được coi trọng thì phải ngăn cấm hiện tượng cha, con, người thân cùng làm quan một nơi.
Luật hồi tỵ thời đó đã quy định rất nghiêm: "những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ".
Nên chăng chúng ta cần nghiên cứu và áp dụng trở lại những quy phạm tiến bộ và phù hợp của Luật hồi tỵ. (Quy định của Đảng về việc luân chuyển bí thư các địa phương cũng là một cách áp dụng Luật hồi tỵ phù hợp với thời đại mới hiện nay).
Cuối cùng, cho dù việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà, người thân có đúng quy trình đến mấy thì việc đó cũng không thể đúng.
Đơn giản bởi vì việc đó sẽ dẫn tới tình trạng công tư lẫn lộn và tình trạng xung đột lợi ích trong việc thực thi công vụ. Nên chăng cần tổ chức kỳ thi tuyển quốc gia để con cháu của các lãnh đạo có thể tham gia dự tuyển.
Nếu trúng cử, những người này sẽ được phân bổ về các đơn vị, các địa phương khác nhau nơi không có người nhà làm lãnh đạo. Họ có quyền được phấn đấu và được đề bạt dựa trên tài năng và sự cống hiến của mình.
TTO - Luật "hồi tỵ" ra đời trong bối cảnh là giao thông liên lạc lạc hậu, giao tiếp của con người để chi phối việc bổ nhiệm cũng khó khăn. Nhưng bây giờ trong thế giới phẳng, cần phải tính thêm các giải pháp khác.
Xem thêm: mth.14213628040301202-iom-ioht-ohc-yt-ioh-taul-oc-nen/nv.ertiout