CPI của năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên lương tối thiểu vùng sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu của người dân - Ảnh: H.Q.
Dẫn nhiều phân tích trong công văn, Bộ LĐ-TB&XH bác bỏ hai đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, và điều chỉnh thời điểm tăng lương từ 1-1 hằng năm sang 1-7 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong buổi làm việc với Chính phủ vào cuối năm 2020.
Lý do là việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động đến việc làm của người lao động, trong khi doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Được biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 đến hết năm do ảnh hưởng COVID-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về lao động và việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Cả nước có hơn 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Con số này tăng gần 14% so với năm 2019. Bình quân mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên 2,48%, là mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập của người lao động bình quân 6,62 triệu đồng, giảm 75.000 đồng so với năm 2019.
"Điều này cho thấy năm 2020, lương tối thiểu có điều chỉnh tăng thì thu nhập của người lao động vẫn giảm. Do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không làm tăng tiền lương, thu nhập chung của người lao động", Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Huy Hưng, cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), xác nhận mức lương tối thiểu hiện nay áp dụng cho năm 2021 vẫn đáp ứng mức sống tối thiểu.
Về kiến nghị điều chỉnh tiền lương sang 1-7 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cục trưởng Nguyễn Huy Hưng phân tích: "Các quy định pháp luật không ấn định thời điểm điều chỉnh cụ thể, nhưng từ trước đến nay, thông lệ quốc tế và Việt Nam thường gắn với năm tài chính để tăng lương từ 1-1 hằng năm".
Ông Hưng nhấn mạnh việc chuyển đổi sang 1-7 hay không phải được đưa ra họp bàn để Chính phủ phân tích, lựa chọn.
Được biết, ngày 1-1 hằng năm là thời điểm mà doanh nghiệp, người lao động thương lượng để điều chỉnh chính sách lương, thưởng, xác lập điều kiện lao động mới, duy trì ổn định quan hệ lao động. Phần lớn các quốc gia đều chọn thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu trùng với lúc năm tài chính bắt đầu để thuận lợi cho doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào ngày 1-1 hằng năm như hiện hành. Tùy theo diễn biến thực tế, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghiên cứu và có đề xuất cụ thể với Chính phủ.
Tại Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, năm tài chính trùng với năm dương lịch bắt đầu từ 1-1, và kết thúc 31-12 hằng năm nên các quốc gia này thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 1-1.
Úc và 46/50 tiểu bang của Mỹ ấn định năm tài chính bắt đầu từ 1-7 và kết thúc 30-6 năm sau, lương tối thiểu được thực hiện điều chỉnh vào ngày 1-7.
TTO - Phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia họp sáng 5-8 đã thống nhất năm 2021 sẽ không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tiếp tục thực hiện lương tối thiểu vùng như hiện nay đến hết năm 2021.
Xem thêm: mth.43941410140301202-1202-man-gnuv-ueiht-iot-gnoul-gnat-gnohk-ihgn-ed-hxbt-dl-ob/nv.ertiout