Các tàu chiến được xếp vào dạng khinh hạm của hải quân Đức có lượng choán nước tương đương tàu khu trục của hải quân Trung Quốc. Trong ảnh: Khinh hạm F220 thuộc lớp Sachsen (dưới) và khinh hạm F211 thuộc lớp Bremen của Đức - Ảnh chụp màn hình
Hãng tin Reuters hôm 2-3 dẫn lời một số quan chức trong Chính phủ Đức xác nhận kế hoạch đưa một khinh hạm (hay tàu hộ vệ tên lửa) tới châu Á vào tháng 8 tới. Trên đường về nước, con tàu sẽ đi ngang Biển Đông, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến của Đức đi qua khu vực kể từ năm 2002.
Bắc Kinh đã phản ứng nhanh chóng trước ý định của Berlin.
Vương Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố mọi quốc gia đều có quyền tự do đi lại trên biển và bay qua không phận ở Biển Đông. "Nhưng những điều đó không nên được sử dụng như một cái cớ để đe dọa chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển", ông Vương Văn Bân cảnh báo trong cuộc họp báo ngày 3-3.
Nguồn tin của Reuters trong Chính phủ Đức tiết lộ khinh hạm của Đức sẽ không tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông. Điều này có phần khác với các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ đã tiến hành từ năm 2015.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn lên tiếng hoan nghênh sự can dự của Đức vào Biển Đông. "Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải mở", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong một thông cáo ngày 3-3.
Dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã kêu gọi các nước đồng minh và đối tác thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông.
Tần suất các đợt FONOP của Mỹ trong thời gian này cũng dày đặc hơn, với nhiều lần khiến Trung Quốc phải tức giận và phản ứng mạnh mẽ. Các tàu chiến của Trung Quốc được cho là đã bám đuổi "như hình với bóng" tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và gần đây nhất là Pháp đã đưa tàu chiến đến Biển Đông huấn luyện, tuần tra. Mặc dù có thể không áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, sự hiện diện của những nước này là một tín hiệu cho thấy tranh chấp Biển Đông vẫn thu hút được sự chú ý của quốc tế.
Việc Mỹ tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các thực thể Trung Quốc chiếm phi pháp là một động thái bác bỏ các yêu sách vô lý mà Bắc Kinh đưa ra. Sự bác bỏ này được chính thức hóa bằng tuyên bố tháng 7-2020 của ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo.
Trong đó, Washington nhấn mạnh các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm đường 9 đoạn, là phi pháp và thể hiện sự ủng hộ với các nước khác trong vấn đề Biển Đông.
TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25-2 khẳng định hoạt động trên Biển Đông của các quốc gia cần phải đóng góp vào mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Xem thêm: mth.48395949040301202-tan-aod-couq-gnurt-nehk-ym-gnod-neib-iot-neihc-uat-aud-cud/nv.ertiout