Nguồn cung khan hiếm, giá phân bón tăng đột biến
Nam Bình
(TBKTSG Online) - Từ sau Tết Tân Sửu đến nay, giá bán một số loại phân bón đã tăng đột biến, đặc biệt là DAP. Giá phân bón thế giới tăng cùng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng, trong khi nhu cầu thị trường gia tăng đã góp phần đẩy giá phân bón trong nước lên cao.
Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam – một trong những doanh nghiệp lớn trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại Việt Nam – cho biết, giá phân bón trên thị trường thế giới trong ba tháng qua đã tăng đột biến do khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là phân DAP. Đây là một loại phân vô cơ với thành phần chính là đạm (18%) và lân (46%) dễ hấp thu cho cây trồng nhưng sản xuất DAP trong nước chỉ cung ứng được 30-40% nhu cầu sử dụng.
Cụ thể, giá FOB (giá FOB là giá tại cửa khẩu bên nước người bán, đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cảng, làm thủ tục xuất khẩu, và thuế xuất khẩu (nếu có). Giá này không bao gồm chi phí vận chuyển đường biển, hay phí bảo hiểm đường biển - PV) bình quân của phân bón DAP tại Trung Quốc đã tăng từ mức 357 - 360 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 11-2020 lên mức 515 - 520 đô la Mỹ/tấn trong tháng 2-2021. Tương tự, giá FOB của DAP tại Mỹ trong tháng 11-2020 ở mức 361 đô la Mỹ/tấn đã tăng lên mức 530 đô la Mỹ/tấn trong tháng 2-2021.
Tăng cao nhất là giá DAP tại Nga, từ mức 340 - 350 đô la Mỹ/tấn trong tháng 11 - 2020 lên mức 535 - 540 đô la Mỹ/tấn trong tháng 2-2021, tức tăng khoản 190 - 195 đô la Mỹ/tấn.
Giá nhiều loại phân bón đã tăng đột biến trong khoảng 3 tháng qua. Ảnh: Nam Bình. |
Không chỉ DAP, giá phân Urê cũng tăng mạnh. Tại Trung Quốc, giá FOB bình quân loại phân này vào tháng 11-2020 là 270 - 275 đô la Mỹ/tấn đã tăng lên mức 355-360 đô la Mỹ/tấn trong tháng 2-2021. Tại Nga, giá Urê tăng từ mức 230-235 đô la Mỹ/tấn trong tháng 11-2020 lên mức 348 - 365 đô la Mỹ/tấn trong tháng 2-2021.
Trong nước, tại các tỉnh phía Nam, giá DAP Trung Quốc (loại màu xanh) đã tăng thêm 5,1 triệu đồng/tấn trong ba tháng qua, từ mức 10,4 triệu đồng/tấn trong tháng 11-2020 lên mức 15,5 triệu đồng/tấn trong tháng 2-2021.
Hay như sản phẩm DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc bán tại các tỉnh phía Nam hiện cũng đã tăng thêm 2,7 triệu đồng/tấn, từ mức 12,8 triệu đồng/tấn hồi tháng 11-2020 lên mức 15,5 triệu đồng/tấn trong tháng 2-2021. Đối với loại DAP sản xuất trong nước – của hai nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai – giá bán mỗi tấn đã tăng gần 2 triệu đồng, hiện ở mức 10,4 triệu đồng/tấn.
Báo cáo cập nhật ngành phân bón và triển vọng năm 2021 của Công ty CP chứng khoán FPT (FPTS) mới đây cũng cho biết, tính đến tháng 11-2020, giá phân DAP thế giới đạt 365 đô la Mỹ/tấn, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Bùi Thị Phương, chuyên gia phân tích của FPTS, giá DAP tăng mạnh do giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, cụ thể như giá lưu huỳnh (nguyên liệu chính sản xuất DAP) đã tăng 75% trong năm 2020. Ngoài ra, sự gián đoạn sản xuất ở một số tỉnh của Trung Quốc, là nước sản xuất DAP lớn nhất thế giới, cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng DAP toàn cầu.
Theo dự báo, nhu cầu phân bón cả nước trong năm 2021 sẽ ở mức khoảng 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng như DAP tăng 12%, phân lân tăng 8,7%, phân NPK tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước… Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm 2021 sẽ tăng khoảng 4 - 6%. Do đó, việc phân bón tăng giá có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp tại vùng này.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ đại lý phân bón Hoàng Hiệp (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), cho biết, đầu năm 2020, giá phân bón có giảm nhưng đến cuối năm lại tăng sốc. Một số loại như Urê hiện đến tay nông dân với mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, dao động trong khoảng 10.000 - 11.000 đồng/kg tùy theo khu vực.
Theo ông Hiệp, nhu cầu sử dụng phân bón ngay tại thời điểm hiện tại không cao, tuy nhiên, trong khoảng 1 - 2 tháng tới, khi nông dân bắt đầu sản xuất vụ hè thu, nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng cao. Khi đó, nếu giá phân bón vẫn ở mức cao sẽ rất khó cho nông dân, vì chi phí phân bón hiện nay chiếm hơn 50% giá thành sản xuất của nông dân.
Trong năm 2020, lượng phân bón sản xuất trong nước đạt mức khá. Sản lượng Urê nội địa đạt khoảng 2,2 triệu tấn, tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng NPK sản xuất trong 11 tháng đầu năm 2020 cũng đạt khoảng 2,64 triệu tấn, tăng 3,5% trong khi sản lượng DAP cũng đạt 339.400 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2019. Tính đến hết tháng 11-2020, lượng nhập khẩu hầu hết các loại phân bón của Việt Nam đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể phân Kali tăng 21,5% phân DAP tăng 19,2% và phân NPK tăng 22,4%. Chỉ riêng nhập khẩu phân Urê giảm đến 79,9% so với cùng kỳ 2019 do nguồn cung trong nước dồi dào. |
Xem thêm: lmth.neib-tod-gnat-nob-nahp-aig-meih-nahk-gnuc-nougn/842413/nv.semitnogiaseht.www