Ngày 4-3, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gởi Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và UBND tỉnh Bình Thuận.
Trực thăng lên đường tìm kiếm 2 nạn nhân. Ảnh VMS-SOUTH
Kết thúc tìm kiếm sau nhiều ngày nỗ lực nhưng vô vọng
Theo đó, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhận được Công văn của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III thông báo hủy, ngừng phát thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với vụ hai nhân viên Trạm Hải đăng Hòn Hải mất tích.
Lý do, sau nhiều ngày phát báo nạn khẩn và tổ chức tìm kiếm nhưng đến nay
vẫn không có thông tin gì về hai công nhân Trạm Hải đăng Hòn Hải bị rơi xuống biển mất tích ngày 21-12-2020.
Từ thông tin trên, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận báo cáo kết thúc công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ba con sóng lớn cuốn trôi hai công nhân
Trước đó, theo báo cáo của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam bộ, tai nạn sóng biển cuốn trôi hai công nhân quản lý vận hành đèn biển đang thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Hải đăng Hòn Hải thuộc đảo Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận lúc 6 giờ sáng ngày 21-12-2020.
Máy bay quần đảo nhiều giờ để tìm kiếm nạn nhân nhưng bất thành. Ảnh VMS-SOUTH
Trạm Hải đăng Hòn Hải nằm trên đảo đá Hòn Hải (chiều dài khoảng 130 m, nơi rộng nhất khoảng 60 m và điểm cao nhất khoảng 113 m), cách đảo Phú Quý khoảng 70 km, ở nơi có điều kiện thời tiết, hải văn hết sức khó khăn, phức tạp.
Thời điểm trên, khi sóng biển đánh cao, các nhân viên của trạm hải đăng đã rút lên hầm trú ẩn ở trên cao.
Lúc 6 giờ sáng ngày 21-12-2020, khi thấy sóng biển giảm nhẹ, hai công nhân quản lý vận hành đèn biển là Đoàn Cao Trai (49 tuổi, quê Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) và Võ Thành Nam (50 tuổi, quê Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng đi xuống phía nhà trạm chính để kiểm tra công tác phòng, chống bão, chằng buộc vật dụng…
Bất ngờ có ba con sóng liên tiếp đánh trùm lên khu nhà trạm chính và cuốn trôi hai công nhân ra biển.
Sự việc diễn ra quá nhanh, các nhân viên còn lại trên hải đăng một mặt báo cáo khẩn cấp về cơ quan chủ quản, một mặt thả một số áo phao, can nhựa xuống biển; kèm theo cả nước uống và lương thực hy vọng người bị nạn bám được vào các vật nổi và cầm cự được trong thời gian chờ cứu nạn.
Hòn Hải nơi 2 nhân viên hải đăng gặp nạn. Ảnh LTN
Ngay sau khi nhận tin hai nhân viên Hải đăng Hòn Hải bị sóng cuốn mất tích, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đã liên hệ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 để cử tàu cứu nạn chuyên dụng ra hiện trường.
Tổng Công ty đã thông báo cho các Đài thông tin Duyên hải thông báo đến các tàu bè đi qua khu vực trên tăng cường quan sát, cảnh giới để tìm kiếm hai người mất tích; thông báo cho Bộ tư lệnh Hải quân vùng 4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, huyện đảo Phú Quý và Cảng vụ hàng hải Bình Thuận, để phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Do tàu thuyền chưa thể tiếp cận khu vực xảy ra tai nạn, Tổng công ty đã cử hai chuyên viên về an toàn, cứu nạn cứu hộ phối hợp cùng các lực lượng chức năng thuê một máy bay trực thăng của Công ty Trực thăng miền Nam bay ngay ra hiện trường thực hiện công tác rà tìm trên biển.
Máy bay đã đến vùng biển xảy ra tai nạn khoảng 11 giờ 30 ngày 21-12-2020. Khu vực tìm kiếm đã được Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Khu vực III khoanh vùng, dùng phần mềm SAROPS.
Trên máy bay có đội tìm kiếm cứu nạn của sân bay, cán bộ của tìm kiếm cứu nạn Khu vực III và ba chuyên gia của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam.
Máy bay trực thăng đã bay tìm kiếm nhiều giờ trên biển nhưng không có thông tin về hai nhân viên gặp nạn.
Tang trùng tang, nỗi đau trùm lên gia đình nghèo Trao đổi với PLO, người thân của anh Đoàn Cao Trai cho biết, anh Trai đi gác hải đăng khoảng 6 tháng mới được về thăm nhà một lần. Hai tháng trước cũng nhằm ngày mùng 8 âm lịch, cha anh Trai mất nhưng anh không thể về chịu tang cha và cũng đúng ngày mùng 8 âm lịch, anh Trai bị sóng cuốn mất tích. Được biết, gia đình đã làm mộ gió và sau 7 ngày gia đình đã phát tang. |