Ngày 2/3/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã gửi Thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII) đến Bộ Công Thương theo đúng quy trình góp ý.
Nội dung này có trong thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII) vừa được 3 liên minh trên gửi Bộ Công thương. Theo đó, dự thảo chỉ rõ xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh - bổ sung khoảng 17 GW điện than mới vào hệ thống.
Ảnh: Kiến nghị góp ý Quy hoạch điện VIII
Về tổng quan, so với quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy hoạch điện VIII tại mốc năm 2030 đã có một số thay đổi lớn, đó là loại bỏ 5.000 MW điện than, trong khi 29.800 MW điện than còn lại được phát triển từ 2021 kéo dài tới 2045; tăng tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo, từ 21% lên 32,5%.
Song, sau khi nghiên cứu bản dự thảo quy hoạch điện VIII, các liên minh nêu trên nhận định, dự thảo vẫn có một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Thứ nhất, những khó khăn, tồn tại của điện than trong thời gian qua cho thấy cần xem xét lại tính khả thi và hệ lụy của kế hoạch tiếp tục phát triển điện than mới, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm tới.
Ảnh: Kiến nghị góp ý Quy hoạch điện VIII
Thứ hai, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...) chưa được chú trọng phát triển trong 10 năm tới so với tiềm năng, cơ hội hiện có và cũng chưa thể hiện được sự đột phá chính sách với lĩnh vực mới này.
Thứ ba, các giải pháp thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế như: chưa có phương án huy động vốn cụ thể và đề xuất xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án BOT là không hợp lý; lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh tiếp tục bị đẩy lùi…
Thứ tư, một số thông tin và dữ liệu trong bản thuyết minh và phụ lục đang không có sự thống nhất theo quan điểm chỉ đạo Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị, đó là "ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới".
Đồng thời, từ bài học của giai đoạn quy hoạch trước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19, đòi hỏi các quốc gia hướng tới phục hồi xanh, do vậy quy hoạch điện VIII cần đưa ra những giải pháp khả thi, đột phá, bám sát và khai thác cơ hội từ những xu thế mới để dự báo, định hướng phát triển ngành điện theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo các liên minh trên, tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới cũng như tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi tiềm năng của năng lượng tái tạo lại chưa được tận dụng đúng mức (tổng công suất huy động của năng lượng tái tạo chỉ chiếm 4% vào năm 2030) và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này lại khá đa dạng, từ nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, các liên minh kiến nghị Bộ Công thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Hà Trần
Doanh nghiệp và Tiếp thị