Tuần trước, Quốc hội Australia thông qua luật yêu cầu các công ty như Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng truyền thông và các nhà xuất bản để liên kết nội dung của họ với các nguồn cung cấp tin tức hoặc trong kết quả tìm kiếm.
Trước khi luật được thông qua, Facebook đã gây sóng gió khi có hành động trả đũa bằng cách chặn người dùng Australia xem và chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng của mình. Chính phủ Australia đã chỉ trích mạnh mẽ đông thái này. Sau đó, Facebook cũng đã đảo ngược quyết định của mình khi cả đôi bên đạt được đồng thuận.
"Đã có những cuộc đàm phán đầy thách thức. Rõ ràng là với Facebook, chúng tôi đã vô cùng thất vọng vì hành động xóa tin tức của họ tại Australia. Nhưng kể từ thời điểm đó, chúng tôi đã điện đàm và làm việc để vượt qua những khác biệt và cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung", Bộ trưởng Frydenberg cho biết.
Ông Frydenberg cũng cho biết thêm mọi thứ đang đi đúng hướng dù đây là tập hợp các cuộc đàm phán kéo dài và khá khó khăn.
Các cuộc đàm phán dẫn đến việc Chính phủ Australia ra quyết định sửa đổi vào phút chót đối với vài điều khoản trong dự thảo luật này ngau trước khi nó được Quốc hội thông qua. Nó có tên gọi chính thức là Bộ luật Thương lượng bắt buộc với nền tảng truyền thông tin tức và kỹ thuật số.
Ông Frydenberg cho biết: "Facebook hiện đang tham gia các cuộc đàm phán thiện chí với các doanh nghiệp truyền thông của Australia". Ông Frydenberg cũng viện dẫn một hiệp định được Seven West Media, công ty sở hữu mạng phát sóng Seven, ký kết với Facebook nhằm chia sẻ nội dung tin tức lên nền tảng mạng xã hội này.
Trong những tuần vừa qua, Facebook thường bị đem ra so sánh với Google, một đối tượng điều chỉnh chính khác của luật. Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet đã chủ động tìm kiếm thỏa thuận với các nhà xuất bản sau khi đe dọa rút chức năng tìm kiếm của mình khỏi nước Úc. Hiện tại, các đối tác mà Google đã đạt thỏa thuận bao gồm Seven West Media và News Corp – đế chế truyền thông thuộc sở hữu của gia đình Murdoch.
Bộ trưởng Ngân khố của Australia cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia khác đang theo dõi những tiến triển liên quan đến luật truyền thông mới của nước này. Ở thời điểm hiện tại, Australia là quốc gia đầu tiên mà trọng tài do chính phủ chỉ định có thể quyết định mức giá cuối cùng mà các nền tảng kỹ thuật số phải trả cho các nhà xuất bản khi họ không thể tìm được tiếng nói chung để đạt được một thỏa thuận độc lập.
Các quốc gia như Pháp đã thực hiện một số biện pháp để khiến các công ty công nghệ phải trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức. Trong khi đó, những quốc gia khác như Canada và Anh cũng đang dự tính các bước tiếp theo nhằm vào các gã khổng lồ Internet toàn cầu.
Facebook hay Google đang ngày càng bị nhiều quốc gia để mắt. Điều này cũng có nghĩa thời kỳ phát triển bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số này đã qua đi. Không chỉ các nước phát triển, những quốc gia đang phát triển cũng ngày càng chú trọng hơn vào việc kiểm soát sức mạnh của các nền tảng này, đặc biệt là khi Twitter và Facebook chặn tài khoản của ông Donald Trump khi ông vẫn còn là Tổng thống Mỹ.