Nhu cầu vốn tăng lên khi nền kinh tế hồi phục sau dịch COVID-19 có thể thúc đẩy lãi suất huy động trên thị trường tăng lên.
Dữ liệu thống kê thị trường của Fiin Group vừa được công bố cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp trong tháng 2 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.
Trong khi các ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh tiếp duy trì mức lãi suất cũ, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỉ đồng và ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỉ đồng cùng chứng kiến mức giảm lãi suất với cả 2 kỳ hạn.
Cụ thể đối với kỳ hạn 6 tháng, nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ giảm lãi suất 0,03% xuống 5,39%, trong khi nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn áp dụng mức lãi suất trung bình 4,74%, giảm 0,15%.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ và ngân hàng TMCP có quy mô lớn giảm lần lượt 0,02% và 0,03%.
Ở thời điểm hiện nay, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,5% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó lãi suất huy động cao nhất theo hiện nay theo thống kê thuộc về các ngân hàng như NVB (6,05%) ở kỳ hạn 6 tháng và HDB, IVB (6,9%) ở kỳ hạn 12 tháng.
"Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng trong tháng 2 đang ở mức 4,85% và 5,69%, cùng giảm xấp xỉ 1,5% o với cùng kỳ và gần như đi ngang so với tháng trước đó" - các chuyên gia phân tích của chứng khoán BVSC nhận định.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến các biến động lãi suất trên đây, BVSC nhìn nhận trong 2 tháng đầu năm, các dự án vẫn chưa được triển khai trên diện rộng, do đó thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì ở trạng thái dồi dào.
Thực tế trong tuần cuối cùng của tháng 2.2021, lượng vốn bơm ròng hơn 26.600 tỉ đồng qua kênh thị trường mở trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán chính thức đáo hạn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng không có hoạt động bơm thêm vốn nào khác trên thị trường mở.
"Như vậy, với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng đã quay lại trạng thái dồi dào, Ngân hàng Nhà nước không còn chịu áp lực can thiệp vào thị trường mở như thời điểm trước Tết Nguyên đán" - BVSC đánh giá.
Trạng thái dồi dào thanh khoản quay lại hệ thống ngân hàng cũng là yếu tố tác động mạnh tới mặt bằng lãi suất trên thị trường vay mượn vốn giữa các ngân hàng với nhau.
Đáng chú ý trong tuần cuối của tháng 2.2021, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng tiếp tục diễn biến giảm mạnh ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức giảm 1,05%, 0,91% và 0,85%, đồng loạt xuống dưới 1%, lần lượt ở mức 0,29%, 0,47% và 0,7%/năm.
Mặt bằng lãi suất vay mượn vốn giữa các ngân hàng ở cả 3 kỳ hạn theo đó đồng loạt quay trở về mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng qua và quanh mức thấp của năm 2020.
Song ở chiều ngược lại, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chuẩn bị được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường quay trở lại nhịp điệp bình thường.
Cộng với yếu tố lạm phát tăng trở lại với chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 01,52% so với tháng trước và đạt mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây, BVSC nhìn nhận lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.
Xem thêm: odl.268588-ial-ort-gnat-eht-oc-gnod-yuh-taus-ial/et-hnik/nv.gnodoal