Giá lúa vụ Đông Xuân tại ĐBSCL tăng cao
Những ngày này ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Nhờ đẩy sớm lịch gieo sạ, tránh mặn thành công, nên năng suất khá cao, khoảng 7 tấn/ha. Niềm vui trúng mùa trúng giá nhưng câu hỏi đặt ra là: Vì sao trong tay có nhiều lợi thế, nhưng vẫn luôn phải thấp thỏm vì giá gạo. Lần tăng giá này liệu chỉ là tạm thời hay sẽ xác lập mặt bằng giá mới cho giá trị của hạt gạo Việt Nam.
Hiện khu ô bao ấp 5, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang bắt đầu vào thu hoạch chính vụ. Giá lúa được nông dân thỏa thuận với thương lái trước Tết là 6.500 đồng/kg. Sau Tết, giá lúa tiếp tục tăng, sau khi bàn bạc hai bên thống nhất mức giá 6.700 đồng/kg cho lúa OM 18. Lúa trên đồng ngay lập tức được tiến hành thu hoạch.
Theo các thương lái, giá lúa Đài Thơm 8, OM 18 ngoài thị trường đang vào khoảng trên dưới 7.000 đồng/kg, lúa IR50404 khoảng 6.700 - 6.800 đồng/kg. Mức giá thu mua sẽ được phía các nhà máy thu mua gạo khu vực An Cư, Tiền Giang đưa ra. Sau khi nắm giá, các thương lái sẽ triển khai thành mức giá thu mua tại ruộng cho nông dân.
Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn đang chủ động hướng đến phần lợi nhuận lâu dài hơn là trông chờ vào giá cả.
Giá lúa tăng cao, nông dân phấn khởi trúng mùa trúng giá. Ảnh minh họa - VGP.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân năm nay rơi vào tháng 3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 4 và 5. Không chỉ giá lúa xuất khẩu cao hơn khoảng 10 USD/tấn so với trước, hai thị trường chủ lực là Philippines và Trung Quốc cũng có xu hướng nhập khẩu thêm.
Với mức trên 550 USD/ tấn, giá xuất khẩu gạo nước ta tăng 3,4% so với năm ngoái và tăng đến trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Một số doanh nghiệp cũng đang thăm dò giá lúa trong tháng 3 và tháng 4 để mua vào phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Một điểm đang chú ý là giá tấm gạo loại giống IR 50404 có phẩm cấp thấp, giá rẻ, khó tiêu thụ và thu hẹp diện tích gieo sạ thì nay lại liên tục tăng giá do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh làm dự trữ lượng thực, làm bột, làm bánh, thức ăn chăn nuôi... Nguồn cung trong nước không còn nhiều cộng với giá cao nên có một vài doanh nghiệp phải tìm nguồn cung từ nước ngoài thay thế.
Chuẩn hóa chất lượng từ mô hình liên kết
Dự báo trong năm nay, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt gần 45 triệu tấn và các quốc gia được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu là Philippines, Ghana, EU. Cùng với đó là trợ lực từ các Hiệp định thương mại. Từ đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng Việt Nam sẽ xuất khẩu vượt mốc 6 triệu tấn. Tuy nhiên, để duy trì giá bán cao và khẳng định vị thế của hạt gạo Việt không gì khác hơn chính là liên kết - vấn đề không mới nhưng luôn là cốt lõi.
"Trước đây, tôi làm trúng lắm vụ lãi chỉ 4 triệu đồng trên công tầm lớn, còn nay lãi hơn 6 triệu đồng", ông Đào Xuân Tống - xã Nam Thái Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang cho hay.
Để có mức lợi nhuận cao như thế, nông dân tham gia chuỗi liên kết phải sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt chuyện sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… Đổi lại, doanh nghiệp sẽ có những cam kết bao tiêu bền vững cho bà con.
Hiện ở các địa phương như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An… diện tích của nhiều cánh đồng liên kết đã tăng đến hàng trăm, hàng nghìn ha. Trong vụ mùa năm nay, các giống lúa thơm chiếm 40% trong cơ cấu giống, chủ yếu phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Để duy trì giá bán cao và khẳng định vị thế của hạt gạo Việt không gì khác hơn chính là liên kết - vấn đề không mới nhưng luôn là cốt lõi. Ảnh minh họa - Dân trí.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra một ô cửa cho gạo Việt, khi EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo, thuế suất 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm.
Dù chưa phải số lượng quá lớn nhưng đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản.
Muốn phân tích thành quả về xuất khẩu gạo hay những chiến lược to tát chính xác nhất vẫn phải nhìn vào lợi nhuận thu về cho người nông dân trồng lúa - những người đang tiếp tục gieo hạt ngọc tạo nên những mùa vàng.
Với vụ lúa năm nay, bà con lãi 4.000.000 - 5.500.000 triệu đồng/công lúa - cao nhất sau hàng chục năm. Đây được ví như thời cơ 10 năm có một để gạo Việt nhanh chóng đi xa và mang về giá trị lớn. Thị trường có điểm sáng, hạt gạo bớt phần long đong, cơ chế cũng cần rất linh hoạt để thực sự nắm bắt thời cơ nâng tầm gạo Việt, để trúng mùa trúng giá không còn là niềm vui "ngắn chẳng tày gang".
Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 4/3, với sự tham gia của ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có những phân tích, bình luận xung quanh vấn đề: Làm sao để duy trì giá bán cao và khẳng định vị thế của hạt gạo Việt hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!