vĐồng tin tức tài chính 365

Thanh toán thông minh trên xe buýt: Chưa thông minh

2021-03-05 08:40

Người quẹt thẻ đếm trên đầu ngón tay

Thay vì trả tiền mặt, các tuyến xe buýt thông minh tại TP.HCM chấp nhận thanh toán tự động bằng thẻ Unipass, mã QR Code (được tích hợp trên ví điện tử ZaloPay), thẻ Vietbank Visa… 

Chiều 3/3, có mặt trên tuyến xe buýt 59 từ bến xe Q.8 đến bến xe Ngã tư Ga (Q.12), chúng tôi thấy trên mỗi xe đều gắn đủ ba thiết bị thanh toán là quẹt thẻ Unipass, mã QR Code, thanh toán không tiếp xúc “contactless” của Vietbank. Nhưng trong suốt hành trình hơn một tiếng đồng hồ, hơn 20 lượt khách đi xe đều thanh toán bằng tiền mặt. Tài xế Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: “Mỗi ngày, xe này chạy tám chuyến với hơn 100 lượt khách, nhưng chỉ khoảng mười người thanh toán bằng thẻ, chủ yếu là thẻ Unipass. Hành khách thanh toán bằng thẻ hầu hết là nhân viên văn phòng, sinh viên, các hành khách khác đều dùng tiền mặt”.

Đa phần khách đi xe buýt vẫn sử dụng tiền mặt nên nhân viên phải xé vé đem đến tận nơi
Đa phần khách đi xe buýt vẫn sử dụng tiền mặt nên nhân viên phải xé vé đem đến tận nơi

Chúng tôi tiếp tục lên tuyến xe 72 có lộ trình từ công viên 23/9 đến bến Hiệp Phước (H.Nhà Bè). Do tuyến này chạy ngang các trường và bệnh viện như: Trường đại học Tôn Đức Thắng, Trường THCS Long Thới, Trường tiểu học Hiệp Phước, Bệnh viện H.Nhà Bè… nên xe luôn trong tình trạng chật kín. Song, cả chiều đi và về hơn 50 lượt khách đều trả tiền mặt. Nhân viên trên xe liên tay bấm vé đưa khách, nhận tiền, thối tiền. 

Tài xế tuyến xe 72 Đặng Văn Quân cho biết, học sinh và sinh viên thường dùng thẻ Unipass, dân văn phòng thì dùng Vietbank Visa thanh toán. Nhưng hành khách là dân văn phòng rất ít. Ngoài ra, thiết bị thanh toán bằng hình thức không tiếp xúc này thường xuyên bị lỗi, khi được khi không, khách hay phàn nàn, đâm ra ngại sử dụng.

“Mỗi ngày, tôi chở khoảng hơn 200 khách, nhưng lượng khách quẹt thẻ chỉ từ 15 - 20 người, những ngày sinh viên đi đông thì cao nhất là khoảng 30 người. Lúc mới triển khai, thiết bị thanh toán này còn trục trặc thường xuyên hơn, hiện đã đỡ nhiều”, anh Quân nói. 

Anh Trần Văn Tâm, phụ xe tuyến 86 cho biết, hiện xe chỉ mới có hình thức thanh toán bằng Unipass; mỗi ngày chở hơn 300 lượt khách, thanh toán bằng thẻ chỉ khoảng hơn 30 người. Nhưng như vậy đã nhiều hơn lúc trước. Bản thân anh Tâm rất thích khách dùng thẻ vì chỉ cần ngồi giám sát, còn nếu thu tiền mặt thì dễ thất thoát tiền và phải chịu trách nhiệm. Nhưng đa phần hành khách chưa sẵn sàng, nhất là những người thu nhập thấp, người từ các tỉnh ít biết về các phương thức thanh toán này. 

Trước đây, Unipass phối hợp với các trường học phát hành thẻ kèm theo khuyến mãi từ 3.000 đồng/lượt (dành cho sinh viên) giảm còn 2.000 đồng/lượt. Rất nhiều sinh viên sau khi sử dụng hết khuyến mãi liền bỏ thẻ với lý do chưa có tài khoản ngân hàng liên kết nên khó nạp tiền, ngại ra điểm giao dịch để nạp tiền…

“Hầu như chỉ có học sinh, sinh viên mới biết các hình thức thanh toán tự động này. Còn hành khách khác rất ít người biết. Đó là chưa kể các thiết bị thanh toán này hay rớt mạng. Có những đợt sinh viên ùa lên đông nhưng phải chờ khởi động lại thiết bị. Đợt sinh viên này chưa thanh toán thì đã đến lúc xuống hoặc đợt khác ùa lên tiếp, tạo nên cảnh rất lộn xộn”, anh Tâm chia sẻ thêm.  

Thanh toán thông minh sao quá nhiều thẻ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết hiện nay trung tâm đã phối hợp với Công ty cổ phần Zion (quản lý ứng dụng UniPass), Vietbank triển khai thanh toán thông minh trên 18/96 (chiếm 19%) tuyến xe buýt (86, 59, 72, 69, 31, 38, 50, 52, 28, 36, 139, 148, 152, 30, 55, 93, 140, 110) với 353 phương tiện. Một số ứng dụng như UniPass cho phép hành khách có thể dễ dàng nạp tiền qua thiết bị di động hoặc nạp trực tiếp tại Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn. 

Tỉ lệ dùng thẻ thanh toán khi đi xe buýt chiếm rất ít
Tỉ lệ dùng thẻ thanh toán khi đi xe buýt chiếm rất ít

Tính đến nay, có 10.583 thẻ UniPass đã được phát hành, có 8.323 thẻ nạp tiền nhưng chỉ có 6.583 thẻ đã thực hiện thanh toán. Đồng thời, Vietbank đã phát hành 10.000 thẻ và thẻ này có thể thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi nhưng hiện chỉ có 6.283 thẻ đã sử dụng.
Ông Hoàn cho rằng, tỷ lệ tuyến xe triển khai thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế, khó thu hút sử dụng thanh toán điện tử. Do đó, hành khách có nhu cầu đi liên tuyến vẫn phải sử dụng thẻ vé điện tử và tiền mặt. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng thanh toán thông minh ngày càng phổ biến. Nhưng thanh toán bằng thiết bị thông minh đang phụ thuộc vào từng đơn vị và ngân hàng, mỗi nơi lại có mã code riêng, ứng dụng thông tin khác nhau. Việc ứng dụng này có nhiều mặt tốt, làm cho các đơn vị và ngân hàng thu các loại phí dịch vụ. Tuy nhiên, về lâu về dài, thanh toán thông minh trên xe buýt cũng phải giống như việc dùng thẻ, tức là chỉ nên tích hợp và có sự liên thông. Mọi ngân hàng đều có thể thanh toán trên một thiết bị thanh toán có thể chấp nhận tất cả thẻ. 

Theo ông Thịnh, đã là phương tiện công cộng, quá nhiều đơn vị tham gia vô hình trung một chiếc xe có đến hai, ba thiết bị thanh toán, đó là chưa kể lỗi trục trặc. Hơn nữa, nhiều đơn vị tham gia gây ra khó khăn là khách phải lưu trữ và giữ quá nhiều thẻ. Chẳng hạn, khách đang sử dụng cả thẻ tín dụng và ATM của VietinBank, muốn thanh toán xe buýt thì phải mở thẻ tín dụng Vietbank hoặc tải thêm ứng dụng Unipass (càng rối nếu như ứng dụng này lại liên kết một ngân nào khác mà không phải Vietinbank). Trong khi đó, không phải ai cũng mở được thẻ tín dụng.

“Rất mong có sự phối hợp của các ngân hàng, sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước để thống nhất một thẻ, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức, thuận lợi nhiều bên, đặc biệt là hành khách”, ông Thịnh nói. 

Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.5988241a-hnim-gnoht-auhc-tyub-ex-nert-hnim-gnoht-naot-hnaht/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Thanh toán thông minh trên xe buýt: Chưa thông minh ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools