Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP hôm 4-3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết chỉ một mình Liên minh châu (EU) không đủ để bảo vệ châu Âu.
Theo đó, ông cảnh báo rằng khả năng phòng thủ của châu lục này phụ thuộc vào mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, chứ không chỉ phụ thuộc vào nhiệm vụ giành quyền tự chủ chiến lược của châu Âu.
Ông Stoltenberg nhận định hầu hết các quốc gia EU cũng là thành viên của NATO, và sự an toàn của công dân các nước này dựa vào một liên minh an ninh vượt xa chính đất nước của họ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chỉ một mình EU không đủ để bảo vệ châu Âu. Ảnh: REUTERS
Tổng thư ký NATO cho biết ông hoan nghênh những nỗ lực của EU trong việc tăng cường chi tiêu và hợp lý hóa ngành công nghiệp quốc phòng của tổ chức này, song ông bày tỏ sự nghi ngờ về lời kêu gọi phát triển "quyền tự chủ chiến lược" của châu Âu theo cách Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đề ra.
"Tôi ủng hộ những nỗ lực của EU về vấn đề quốc phòng, vì chi tiêu quốc phòng nhiều cùng với năng lực quân sự, quốc phòng châu Âu được tăng cường sẽ bảo đảm được an ninh châu Âu, an ninh xuyên Đại Tây Dương, cho tất cả chúng ta" - ông Stoltenberg chia sẻ.
"Vì vậy, với tất cả những nỗ lực trên của EU, chúng tôi đều hoan nghênh chúng, tuy nhiên EU không thể bảo vệ châu Âu” - Tổng thư ký NATO khẳng định.
“Hơn 90% người dân thành viên EU sống trong một quốc gia thuộc NATO. Nhưng chỉ 20% chi tiêu quốc phòng của NATO đến từ các thành viên EU” - ông Stoltenberg giải thích tuyên bố của mình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: UNITED NATIONS
Trước đó, Tổng thống Macron cáo buộc NATO không còn thích ứng kịp với những ưu tiên an ninh của châu Âu, AFP đưa tin.
“Tôi là người bảo vệ chủ quyền của châu Âu, quyền tự chủ chiến lược, không phải vì tôi chống lại NATO hay nghi ngờ đồng minh Mỹ của chúng ta, mà bởi vì tôi có cái nhìn sáng suốt về tình hình thế giới hiện tại” - Tổng thống Pháp chia sẻ.
"Không ai có thể nói với tôi rằng NATO ngày nay là một tổ chức còn phù hợp với tình hình quốc tế. NATO được thành lập để đối đầu với Hiệp ước Warsaw, nhung giờ chẳng còn một Hiệp ước Warsaw nào nữa rồi" - ông Macron nhận định.
Phản hồi lại, Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định NATO vẫn còn nhiều thách thức khác phải đối mặt.
Ông nhắc đến sự xâm lấn của Nga đối với các nước láng giềng, chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới, những vụ tấn công mạng, vấn đề biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải duy trì lợi thế trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh các nỗ lực của EU trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của châu lục. Ảnh: AFP
EU không có quân đội của riêng mình, và Ủy ban châu Âu (EC) lại đang tìm kiếm "vai trò địa chính trị" với chính sách đối ngoại và công nghiệp quốc phòng thay vì một lực lượng quân sự.
Ngược lại, ông Stoltenberg nhận định NATO là liên minh quân sự thành công nhất trên thế giới, một phần lớn nhờ vào mức chi tiêu quân sự của Mỹ, theo AFP.
“Tôi không tin một mình châu Âu hay khu vực Bắc Mỹ có thể đối đầu những thách thức an ninh mà chúng ta phải đối mặt ngày nay. Tôi tin ở sự đoàn kết chiến lược giữa hai bên, là những gì NATO đại diện" - ông Stoltenberg tuyên bố.
“Đây là vấn đề chính trị. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu mối liên kết, chia rẽ châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ không chỉ làm suy yếu NATO mà còn chia rẽ châu Âu” - Tổng thư ký NATO nói thêm.