Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới ban hành thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là người lao động).
Cuộc thanh tra được tiến hành tại Bộ LĐ-TB&XH và UBND sáu tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh minh họa: PLO
Chưa quan tâm, quản lý mức phí, tiền môi giới
Theo TTCP, ngoài những mặt được, giai đoạn 2013-2018, công tác quản lý nhà nước về người lao động còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng nói, rất nhiều vi phạm được TTCP chỉ ra có liên quan đến trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN).
Điển hình, Bộ LĐTB&XH chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để có biện pháp đàm phán với nước ngoài nhằm giảm chi phí cho người lao động; trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp.
Điều này dẫn tới người lao động (thực chất là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn trong khi chính sách của nước tiếp nhận là không phải chỉ trả (Đài Loan, Nhật Bản).
Cũng theo TTCP, Bộ LĐTB&XH quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản và không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến người lao động, là nguyên nhân cơ bản khiến lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Về phía Cục QLLĐNN, cơ quan này không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/1 lao động).
Cục QLLĐNN cũng không tổ chức thực hiện việc quản lý người lao động bằng mã số; không tham mưu Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng tổng kết hàng năm về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Dù phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng Cục QLLĐNN lại buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015.
Đặc biệt, Cục QLLĐNN tham mưu và ban hành văn bản đồng ý cho 13 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản khi chưa ký Bản ghi nhớ hợp tác để triển khai chương trình.
Cục này cũng ký văn bản đồng ý khi chưa ban hành tiêu chí, điều kiện cụ thể để lựa chọn doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp yếu, thiếu kinh nghiệm, thậm chí thuộc diện phải thu hồi giấy phép; gây bất bình trong hệ thống các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ LĐ-TB&XH…
“Xử lý nghiêm” cục trưởng giai đoạn năm 2012-2016
Với những vi phạm như đã nêu, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục.
Trong đó, TTCP nhấn mạnh Bộ này cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với Cục trưởng Cục QLLĐNN giai đoạn năm 2012-2016 trong việc tham mưu ban hành và ban hành các văn bản không đúng quy định của pháp luật, các văn bản cho phép doanh nghiệp thu phí thị trường Nhật Bản; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015.
Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm các cục trưởng Cục QLLĐNN từng thời kỳ từ năm 2000 đến thời điểm thanh tra trong việc không tham mưu Bộ và báo cáo Thủ tướng giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan, Nhật Bản; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản cho phép doanh nghiệp thí điểm thị trường Nhật Bản…
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cần kiểm điểm trách nhiệm đối với Chánh Thanh tra Bộ này qua các thời kỳ năm 2013-2018 trong việc tham mưu ban hành quy định chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH không đầy đủ nội dung theo quy định.
“Xử lý trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thời kỳ năm 2015-2018 do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của doanh nghiệp” – TTCP nêu.
Đáng chú ý, TTCP kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH thu hồi giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại và Cung ứng nhân lực Quốc tế Bắc Việt, Tổng công ty Thuỷ sản Hạ Long (nay là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần); giao Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thanh tra toàn diện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty cổ phần nguồn nhân lực quốc tế Thuận An KYOTO.
Cơ quan này còn kiến nghị thu hồi giấy phép hoặc kiểm tra, rà soát đối với 36 doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
Kết hôn giả để cư trú bất hợp pháp Đối với UBND sáu tỉnh, TTCP cho rằng việc tuyên truyền, phổ biến luật và văn bản hướng dẫn tại nhiều địa phương chưa triệt để, số lượng lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn nhiều, đặc biệt ở thị trường Hàn Quốc. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên; việc quản lý lao động về nước còn hạn chế; nhiều tổ chức, doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, chi nhánh, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh để tuyển sinh đi du học gắn với việc làm thêm có thu nhập cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc, thực chất là một dạng xuất khẩu lao động, gây nguy cơ hậu quả khó xử lý. Hay như vẫn còn hiện tượng người lao động tự ý hoặc thông qua môi giới bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả... để sang một số nước (Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Austraylia, Canada, các nước Đông Âu) làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp… |