Trong khi giá USD tiếp tục trên đà tăng mạnh về tỷ giá thì giá vàng trong thời gian qua ghi nhận sự sụt giảm sâu.
Khoảng 6h00 ngày 5/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch ở mức 1.696 USD/ounce, mặc dù có tăng nhẹ nhưng vẫn giảm thêm 14 USD/ounce sau khi đã giảm 29 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 4/3 (1.716,5 USD/ounce).
Tại thị trường trong nước, đà giảm mạnh kể trên của vàng thế giới cũng tác động tới giá vàng miếng bán ra sáng nay.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, niêm yết vàng miếng SJC mua vào ở mức 55.40 triệu đồng/lượng, bán ra 55.80 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm thêm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng SJC mua vào ở mức 55,40 triệu đồng/lượng, bán ra 55,80 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 5/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm USD ở mức 23.161 VNĐ, tăng nhẹ so với phiên ngày 4/3.
Tại các ngân hàng thương mại, giá giao dịch USD có xu hướng chững lại so với các phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank, giá USD được niêm yết với mức 22.900 - 23.110 đồng/USD. Mức giá này giảm 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó, con số này không thay đổi so với ngày 4/3.
Ngân hàng ACB niêm yết giá ở mức 23.120 VNĐ, ngân hàng BIDV niêm yết ở mức giá 23.125 VNĐ.
Tờ Reuters nhận định, trên thế giới, đồng đô la tăng nhẹ do lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong khi vàng tiếp tục chìm sâu.
Hơn nữa, trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khiến chỉ số DJ bay hơi 345 điểm, các nhà đầu tư dần dịch chuyển vốn vào trái phiếu, điều này cho thấy, tại thời điểm này, vàng không phải là kênh trú ẩn an toàn, dòng tiền chảy vào kim loại quý rất ít. Giá vàng phải gánh chịu sức ép đi xuống.
Biểu hiện rõ nhất là các quỹ đầu tư vàng liên tiếp bán ra trong 13 phiên giao dịch. Tính từ đầu năm 2021, các tổ chức quỹ đầu tư đã bán gần 100 tấn vàng.
Ở một diễn biến khác, ở Việt Nam, trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá vàng trong nước lên tục đắt hơn thế giới từ 5-8 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, do không tự chủ được nguồn cung nên các doanh nghiệp bị động trong việc cân đối lượng vàng mua-bán trên thị trường, dẫn tới giá trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới.
Các chuyên gia khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn. Nguyên nhân do người dân đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng khối lượng vàng như giá thế giới.
Trong trường hợp, khách hàng nếu có đầu tư thì cũng không nên lấy thu nhập thường xuyên của mình để "chơi" vàng mà phải lấy tiền tiết kiệm, nếu như có rủi ro sẽ không bị ảnh hưởng đến nguồn chi tiêu hàng tháng của gia đình.
Nguyên Anh (Tổng hợp)