Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 4/3 nhắc lại cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo cho tới khi đạt mục tiêu về việc làm và lạm phát, đáp trả những hoài nghi liệu ông có thể thực hiện đúng lời hứa này khi đại dịch qua đi và nền kinh tế trỗi dậy. Tuy nhiên, những lời trấn an của ông Powell chưa đủ sức để làm an lòng Phố Wall.
Nhờ việc triển khai vaccine và chính sách kích cầu của Chính phủ Mỹ, "có lý do tốt để tin rằng chúng ta sẽ sớm đạt thêm bước tiến" tới mục tiêu của Fed về tạo công ăn việc làm tối đa trong nền kinh tế và mức lạm phát 2% bền vững - hãng tin Reuters dẫn lời ông Powell tại một diễn đàn do tờ Wall Street Journal tổ chức.
Nhưng "cho dù mục tiêu đó có đạt được, thì cũng phải mất nhiều thời gian… Chúng tôi muốn thị trường việc làm phải nhất quán với đánh giá của chúng tôi về việc làm tối đa. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi tiêu chí phải được đáp ứng", ông Powell nói. Phát biểu này của ông được hiểu là không những cần tạo việc làm đầy đủ trong nền kinh tế, mà cần đạt được tiền lương và cơ hội việc làm tốt hơn cho các cộng đồng thiểu số và những đối tượng thường bị đứng ngoài lề khi nền kinh tế hồi phục.
"Tôi muốn làm rõ về việc này", ông Powell nói khi nhấn mạnh lời hứa của Fed về giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở mức gần 0 và duy trì hoạt động mua trái phiếu hàng tháng. Cho dù giá cả tăng lên trong những tháng tới như kỳ vọng, "tôi tin chúng tôi sẽ kiên nhẫn" và không thay đổi chính sách tiền tệ cần thiết để duy trì sự hỗ trợ cho tới khi nền kinh tế "đi được một quãng đường rất dài tới hồi phục", ông nói.
Bài phát biểu này của vị thống đốc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới bác bỏ mối lo gần đây của giới đầu tư toàn cầu về đà leo thang của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhà đầu tư lo rằng lợi suất tăng là dấu hiệu của lạm phát sắp bước vào một chu kỳ leo thang, buộc Fed phải tính đến chuyện nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Với mối lo như vậy, điều mà thị trường kỳ vọng ở ông Powell trong bài phát biểu ngày 4/3 là ông sẽ đưa ra một tín hiệu nào đó rằng Fed sẽ cân nhắc biện pháp can thiệp nhằm hạ nhiệt lợi suất.
Nhưng ông Powell không đưa ra một tín hiệu nào như vậy, và đây là điều khiến thị trường thất vọng.
Chủ tịch Fed nói đà tăng của lợi suất là "đáng kể và khiến tôi chú ý", song ông không coi đây là một diễn biến "gây xáo trộn" hay một diễn biến đẩy lãi suất dài hạn lên cao tới mức Fed có thể cần phải can thiệp mạnh vào thị trường để kéo lợi suất xuống.
"Lập trường chính sách hiện tại của chúng tôi là phù hợp", ông nhấn mạnh.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm 5 điểm cơ bản trong lúc ông Powell phát biểu. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh.
"Thị trường tự đặt ra kịch bản của chính mình" rằng Fed sẽ hành động để kiềm chế lợi suất trái phiếu - nhà phân tích Kim Rupert thuộc Action Economics phát biểu. "Nhưng ông ấy không đưa ra những phát biểu mạnh mẽ như kỳ vọng của thị trường".
Một số nhà phân tích lại có cái nhìn khác, cho rằng những gì mà ông Powell nói là ngầm thể hiện rằng Fed hoàn toàn có khả năng can thiệp mạnh và nhanh vào thị trường thông qua tăng mua vào trái phiếu nếu lợi suất dài hạn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, ông Powell và các quan chức khác của Fed gần đây đều nói rõ rằng họ nhận thấy lợi suất tăng phản ánh niềm tin vào sự phục hồi kinh tế và không ảnh hưởng đáng kể đến các điều kiện tài chính mà Fed đang theo dõi, thay vì phản ánh kỳ vọng lạm phát ở mức nguy hiểm như đánh giá của giới đầu tư.
"Chúng tôi không muốn chứng kiến sự thắt chặt kéo dài các điều kiện tài chính. Đó thực sự là một bài kiểm tra",ông Powell nói, và nhận định thêm rằng cho tới hiện tại, bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn duy trì lành mạnh.
Kinh tế Mỹ gần đây phát đi nhiều dấu hiệu tích cực. Khoảng 50 triệu người Mỹ đã đượt tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid và tốc độ triển khai vaccine tiếp tục được đẩy nhanh, được dự báo sẽ sớm mở đường cho phục hồi kinh tế. Cộng thêm gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất, giới phân tích dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng kỷ lục trong năm nay.
Trong quá khứ gần đây, điều kiện nền kinh tế như hiện nay có thể khiến Fed đi đến kết luận rằng lạm phát chắc chắn sẽ tăng và Fed có thể đón đầu bằng cách giảm mức độ hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ở hiện tại, Fed xem lạm phát là một rủi ro tối thiểu, và thay vào đó chú trọng hơn đến việc đạt và duy trì việc làm tối đa trong nền kinh tế. Đây là mục tiêu thứ hai, sau mục tiêu về lạm phát, mà Quốc hội Mỹ đặt ra cho Fed.
"Chúng tôi cam kết ở lại trên sân cho tới khi hoàn thành công việc… vẫn còn rất nhiều thách thức", ông Powell nói.
Xem thêm: nhc.47065601150301202-gnov-taht-ut-uad-ioig-neihk-def-hcit-uhc-auc-ueib-tahp-gnort-ig-ueid/nv.fefac