Một y tá chuẩn bị liều tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca tại Lyon, Pháp, trong tháng 2 - Ảnh: NYT
Theo báo New York Times (NYT), trong ngày 4-3, nhà chức trách Ý đã chặn hơn 250.000 liều vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca tới Úc, khi căn cứ theo những quy định mới về quản lý xuất khẩu vắc xin COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy Ý là quốc gia đầu tiên có động thái chính thức vận dụng một điều luật mới áp dụng gần đây của EU: ngăn các nhà sản xuất vắc xin hoạt động trong lãnh thổ EU xuất khẩu vắc xin COVID-19 tới các nước khác khi không thỏa mãn điều kiện cấp phép của EU.
Bộ Ngoại giao Ý lý giải sở dĩ Ý có quyết định như vậy vì Úc được xem là quốc gia "không thuộc nhóm dễ tổn thương" trong đại dịch COVID-19, theo các tiêu chí đánh giá của luật mới.
Thêm nữa, vắc xin COVID-19 cũng đang thiếu hụt nguồn cung tại Ý và Liên minh châu Âu nói chung, AstraZeneca lại đang trì hoãn việc cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước EU.
Các quy định quản lý vắc xin COVID-19 mới của EU trao quyền cho các nước thành viên được phép giữ lại mặt hàng đặc biệt này ở trong khối, không cho xuất đi nước ngoài nếu nhà sản xuất chưa hoàn thành trách nhiệm cung cấp đủ nhu cầu vắc xin cho các thành viên EU.
Hiện tại trong số các vắc xin COVID-19 đã được EU cấp phép dùng khẩn cấp, hai hãng Pfizer và AstraZeneca đang có cơ sở sản xuất vắc xin COVID-19 tại EU.
Tính tới nay, Ủy ban châu Âu đã phê chuẩn 174 yêu cầu xin cấp phép xuất khẩu vắc xin COVID-19.
Theo cơ sở dữ liệu về dịch bệnh của báo NYT, Úc hiện là nước có số ca bệnh COVID-19 ít hơn so với nhiều nước phát triển khác, căn cứ trên quy mô dân số và gần đây chỉ ghi nhận trung bình 9 ca mắc mới một ngày.
Trong khi đó, với dân số hơn gấp đôi so với Úc, Ý hiện đang ghi nhận trung bình mỗi ngày hơn 18.000 ca mắc mới.
TTO - Theo kết quả nghiên cứu bước đầu công bố ngày 3-3 của ĐH Bristol (Anh), vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có hiệu quả phòng bệnh tốt với những người lớn tuổi sau một liều tiêm.