Làm gì để nông sản Việt thoát cảnh giải cứu?
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp giải cứu nông sản dễ dàng hơn và về lâu dài là hướng tới phát triển bền vững và giảm bớt tình trạng phải đi giải cứu nông sản.
Livestream tại vườn nhà nông để quảng bá, giới thiệu nông sản. Ảnh: Viettel Post |
Dùng công nghệ giúp tiêu thụ nhanh nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng ý tưởng trình Chính phủ xây dựng đề án đưa công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đề án tập trung chủ yếu vào hạ tầng kết nối, băng thông rộng và dữ liệu nông nghiệp, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới thông minh là một nội dung mang tính đột phá trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2. |
Tại Hải Dương chính quyền đã lập các nhóm chat Zalo như nhóm doanh nghiệp nông nghiệp Hải Dương, nhóm nông nghiệp Hải Dương vượt qua đại dịch… để hỗ trợ việc kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như những người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp.
Chính quyền đã sử dụng các nhóm Zalo gửi thông tin cho các nhà thu mua để họ về tiếp cận, tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống siêu thị Vinmart cũng đẩy mạnh bán hàng hàng từ xa qua website, tổng đài tại các tỉnh cần giải cứu nông sản để bán hàng, giải cứu nhanh hơn.
Hệ thống siêu thị GO! còn mở các trang trang Facebook để giới thiệu thông tin, giá cả các mặt hàng cần giải cứu.
Còn dự án Kết nối thực phẩm (Food Connect) được Công ty Cổ phần Food Network triển khai làm việc trực tiếp với bà con nông dân, các hợp tác xã, qua đó chọn ra các hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, có các chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP để giới thiệu trực tiếp sản phẩm của họ đến người tiêu dùng qua website thương mại điện tử www.foodconnect.vn.
Những cửa hàng bán các sản phẩm nông sản của nông dân, hợp tác xã đã được kết nối vào mạng lưới Food Connect. Các tài xế của Grab sẽ đảm nhận phần giao nhận sản phẩm cho khách hàng đặt mua, đảm bảo sản phẩm được phân bổ rộng rãi và đến tay người tiêu dùng kịp thời.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ, kéo theo việc mua sắm trực tiếp bị thu hẹp, người tiêu dùng chuyển dần sang kênh mua sắm online. Xuất phát từ nhu cầu thị trường và mong muốn đưa nông sản thực phẩm trở thành ngành hàng kinh doanh trực tuyến, Công ty CP Tân Việt Hưng Thủ Đô đã cho ra mắt sàn thương mại điện tử Kim Hưng.
Đây là cầu nối trực tiếp nông dân và tiểu thương, doanh nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí trung gian, đồng thời đưa nông sản Việt có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng hành cùng nông dân Hải Dương, sàn thương mại điện tử nông sản Kim Hưng những ngày qua đã liên tục cung cấp thông tin, giá cả các mặt hàng nông sản Hải Dương cần tiêu thụ tới thương nhân cả nước để chung tay giải cứu nông sản.
Ngoài ra sàn này còn cho nông dân, miễn phí mở gian hàng, miễn phí quảng cáo, thu hút gian hàng, miễn phí đào tạo kinh doanh trực tuyến và nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.
Đại diện Viettel Post cho hay sẽ ứng dụng công nghệ nhằm bán nông sản trực tiếp từ bà con đến người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) cũng như hệ thống logistics thông minh. Bằng phương án này, Viettel Post sẽ đảm bảo được 2 yếu tố: giá tốt cho người nông dân và chất lượng cho người tiêu dùng.
Sau khi thông tin nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post sẽ gom tất cả các đơn hàng đó, ghép nông sản Hải Dương thành 1 tuyến, dùng xe ô tô vận chuyển theo lô, giao hàng tới tận tay người tiêu dùng. Để nhanh chóng hỗ trợ bà con ở Hải Dương hiện nay, Viettel Post sẽ sử dụng tính năng mua chung và Vỏ Sò sẽ đứng ra đại diện như một nhà cung cấp.
Vỏ Sò cũng sẽ đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và đồng hành với bà con nông dân cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử, cùng thực hiện livestream ngay tại vườn, hỗ trợ giải pháp quảng cáo số để thúc đẩy hoạt động bán sớm nhất.
Trong khi đó công ty khởi nghiệp FoodMap đã “vẽ bản đồ” để giải cứu nông sản cho người nông dân. FoodMap là nền tảng chuyên kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng. Ứng dụng này vận hành trên nền tảng hợp tác với nông dân từ khâu đầu tiên, để có được nguồn nông sản thực sự sạch.
Sau đó là quảng bá và phân phối để nông dân có một tương lai tốt hơn, đầu ra tốt hơn, giá trị nông sản cao hơn. Website www.foodmap.asia ngoài việc tận dụng công nghệ để giúp người dùng đầu cuối tiếp cận thông tin nông sản dễ dàng hơn còn thu mua nông sản và hỗ trợ nhà sản xuất trong vấn đề xây dựng bao bì và thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, sẽ ưu tiện thực hiện các chiến dịch bán hàng cho từng loại nông sản khác nhau.
Giúp nông dân làm quen với thương mại điện tử
Ứng dụng công nghệ để giải cứu vẫn là biện pháp trước mắt, về lâu dài việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp giảm bớt tình trạng phải giải cứu và xa hơn là giúp nông nghiệp phát triển bền vững hơn.
Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội trước đây, FoodMap cho biết là chiếc cầu nối đắc lực, đưa nông sản Việt đến tận cửa người dùng, giải tỏa phần nào khó khăn cho nông dân và góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh. Nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân.
Đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo nhưng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu. Từ đó giúp các mặc hàng nông sản phát triển bền vững, lâu dài hơn và không gặp phải những khó khăn cần phải giải cứu.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết “đặc thù của nông sản là loại hàng hóa có thời gian thu hoạch và thời gian sử dụng rất ngắn. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất mà vẫn đảm bảo độ tươi, ngon, sạch”.
Viettel Post sẽ đóng vai trò giám sát chất lượng sản phẩm, không đưa đến tay người tiêu dùng những nông sản được trồng sai quy cách, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dễ gây độc hại cho người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng chính là hành động bảo vệ giá trị nông sản Việt ngay cả trong mùa dịch, để không còn xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”.
Ý tưởng của dự án được bắt nguồn từ những lần tham gia giải cứu nông sản của đội ngũ Food Conect trong mấy năm trước như giải cứu khoai, giải cứu thịt heo… khi những nông sản này gặp khó khăn về tiêu thụ do bí đầu ra xuất khẩu hay sản lượng vượt quá xa so với nhu cầu trong nước.
Từ những đợt tham gia giải cứu này, đội ngũ Food Connect đã nhận thấy cần phải có một giải pháp kết nối giữa nông dân và thị trường để giúp các nông hộ, hợp tác xã có thể tiêu thụ nông sản, thực phẩm một cách lâu dài. Từ đó dự án Kết nối thực phẩm (Food Connect) đã ra đời nhằm kết nối các nông dân, nhà kinh doanh nông sản... với nhau để cùng phát triển mạnh, bền vững hơn.
Còn sàn thương mại điện tử nông sản Kim Hưng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2.500 gian hàng nội địa và 1.000 gian hàng quốc tế. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ bán hàng cho hơn 3.500 tiểu thương tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Việt Nam để giúp nông sản Việt Nam phát triển bền vững và vươn ra quốc tế.
Xem thêm: lmth.uuc-iaig-hnac-taoht-teiv-nas-gnon-ed-ig-mal/182413/nv.semitnogiaseht.www