Dù đã được người dân cả nước tích cực ủng hộ, giải cứu, tuy nhiên theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Dương, tính đến cuối tháng 2, mới có hơn 50% sản lượng nông sản của địa phương này được tiêu thụ. Tuy nhiên, dịch bệnh không phải nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng ế thừa nông sản. Câu chuyện tại hai vùng sản xuất rau lớn nhất tại Hà Nội và Đắk Lắk sẽ là minh chứng cho điều này.
Đổ bỏ hàng trăm tấn nông sản vì không có đầu ra
Trên khu vườn rộng gần 1.000 m2, anh Đậu Quốc Khánh (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn cố gắng chăm sóc luống rau mồng tơi đã quá lứa. Cho dù đến lúc này, hy vọng có người đến mua là rất mong manh. "Rau năm nay dù rẻ nhưng vẫn không bán được, mình phải nhổ bỏ...", anh Khánh nói.
Cả huyện Cư M'gar có có hơn 30 ha rau, củ. Năm nay rau được mùa nhưng lại mất giá. Mỗi loại chỉ từ 1.000 - 2.000 nghìn đồng/kg. Dù rẻ thế cũng chẳng có người mua. Từ Tết dến nay, hầu hết các hộ dân đều phải nhổ rau củ cho gia súc, gia cầm ăn, hoặc làm phân bón.
Củ cải tại huyện Mê Linh, Hà Nội không có khách hàng mua nên người dân đành phải nhổ bỏ. (Ảnh: PLO)
Còn tại Mê Linh - một trong những vựa rau lớn nhất Hà Nội, nhiều hộ dân thu hoạch củ cải xe củ không phải mang đi bán, mà là để đổ bỏ.
Nhà chị Phương (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) đầu tư vào ruộng hơn 3 triệu đồng, chưa kể tiền công. Nay chẳng thu được đồng nào, còn mất công mang đi vứt.
"Trước kia còn bán được giá chút, nay toàn 1.000, 2.000 và 5 đồng còn chả có người mua, đành phải bỏ đi hết", chị Phương nói.
Chỉ riêng một thôn Đông Cao, xã Tráng Việt đã cho sản lượng củ cải, cà chua lên đến hơn 300 tấn. Vụ thu hoạch vào đúng đợt dịch bệnh bùng phát nên khó đủ đường: Vận chuyển khó khăn, nhiều bếp ăn tập thể dừng, sản lượng tiêu thụ giảm…. Người có thể đợi hết dịch, còn nông sản không thể đợi.
Trước những khó khăn của bà con nông dân, phong trào giải cứu nông sản đã lan tỏa rộng khắp cả nước những ngày qua. Vấn đề đặt ra là việc nông sản ế thừa không phải chỉ xảy ra ở những địa phương có dịch. Dịch bệnh không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này. Taị buổi họp báo do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều 4/4, đại diện Sở Công Thương đã đưa ra lời giải thích.
"Bình thường mỗi một năm chỉ sản xuất 4 vụ/năm, sản lượng vừa đủ cho nguồn cung ra thị trường nhưng người dân cứ thích gối vụ và thu hoạch thêm được đồng nào quý đồng đó, cho nên đã sản xuất thêm 2 vụ nữa tăng lên thành 5 - 6 vụ/năm do đó dư cung. Chúng tôi đã có văn bản gửi đến các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội, các chợ, các bếp ăn trường học đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ. Chúng tôi cũng đã liên hệ với cả công ty Đồng Dao để sản xuất nước ép", bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói.
Làm gì để không phải giải cứu nông sản?
Cung vượt cầu đó mới là nguyên nhân chính gây ra dư thừa nông sản. Ngoài ra, người dân còn phải chịu sự biến động thất thường của giá cả qua từng năm. Việc giải cứu nông sản nếu chỉ dừng lại ở sự chung tay, sẻ chia chắc chắn là chưa đủ. Ở quy mô nhỏ là mỗi hộ sản xuất và quy mô lớn hơn là mỗi vùng sản xuất, mỗi địa phương sẽ phải có những giải pháp thiết thực hơn.
Không còn cảnh đông đúc khi vào vụ thu hoạch như trước kia, từ 6 tháng nay, những người như bà Thuận (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã quá quen với việc đi làm luân phiên theo lịch đã được Hợp tác xã Đông Cao phân công.
Nhà này thu hoạch xong mới đến lượt nhà khác đi làm dù không có dịch nhưng giãn cách thế này cũng giúp hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. "Chúng tôi giờ chia nhau làm luân phiên thế này để tránh lây lan dịch bệnh...", bà Nguyễn Thị Thuận nói.
Cung vượt cầu đó là nguyên nhân chính gây ra dư thừa nông sản. Ảnh: Báo Tin tức.
Rau củ quả xuống giá bị ùn ứ là chuyện khó tránh khỏi nhưng tình trạng phải giải cứu là điều mà hơn 600 xã viên của Hợp tác xã Đông Cao chưa bao giờ phải làm.
Thực tế khi tham gia vào hợp tác xã, vấn đề đầu ra luôn ổn định hơn các hộ nhỏ lẻ, khi gặp khó khăn như thời gian vừa qua do các trường học, nhà hàng đóng cửa không xuất bán được việc san sẻ khó khăn cũng được triển khai, mỗi hộ chịu thiệt một ít, không có tình trạng bỏ trắng. Các hộ không tham gia rõ ràng sẽ thiệt thòi vào thời điểm này.
Dịch bệnh chưa thể hết, còn cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, cây cối vẫn phải sinh sôi phát triển. Vụ Đông Xuân thất thu vì dịch bệnh, nhưng vụ Hè Thu cũng vẫn phải gắng gượng gieo trồng vì người nông dân chỉ biết trông vào mảnh ruộng. Tuy nhiên khi áp dụng các giải pháp trên và có sự tham gia của tập thể chắc chắn sẽ giảm bớt nhiều khó khăn lên vai cho người nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.39201637150301202-cuht-teiht-pahp-iaig-nac-nas-gnon-uuc-iaig/et-hnik/nv.vtv