Giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng hơn 4%, lên mức cao nhất trong hơn một năm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh do Nga dẫn đầu (hay còn gọi là nhóm OPEC+) nhất trí duy trì sản lượng trong tháng 4 tới với lý do đà phục hồi nhu cầu sau cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn còn mong manh.
Giá dầu Brent tăng lên mức trên 68 đô la/thùng, mức cao nhất trong hơn một năm qua, trong phiên giao dịch hôm 5-3. Ảnh: Investing |
Saudi Arabia muốn giảm thêm lượng dầu tồn kho toàn cầu
Chốt phiên giao dịch hôm 4-3, giá dầu Brent giao tháng 5 trên thị trường London tăng 4,2% lên mức 66,74 đô la Mỹ/thùng và giá dầu Tây Texas (WTI) giao tháng 5 ở thị trường New York cũng tăng mức tương tự lên 63,83 đô la/thùng. Lúc 5 giờ chiều 5-3, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent và WTI tăng thêm 2%, giao dịch quanh mức 68 và 65 đô la/thùng. Các mức tăng mạnh này đưa giá dầu lên mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Trong những tháng gần đây, đà tăng giá ổn định của dầu giúp các nhà sản xuất tự tin rằng thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ đã giúp thị trường đứng vững sau cú sụp đổ vào thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19. Điều này khiến giới phân tích kỳ vọng OPEC+ sẽ nhất trí bơm thêm dầu. Tuy nhiên, hôm 4-3, nhóm này chọn giải pháp an toàn khi quyết định duy trì mức sản lượng hiện nay. |
Giá dầu tăng trước tin OPEC+ giữ nguyên mức sản lượng khai thác hiện nay. Sau cuộc họp trực tuyến hôm 4-3, nhóm OPEC+ thông báo họ sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng 7,2 triệu/thùng hiện nay sang tháng 4.
Tuy nhiên, Nga và Kazakhstan sẽ được phép tăng sản lượng lần lượt thêm 130.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng tới.
Hai nước này cũng nhận được sự cho phép tương tự vào tháng 2 và tháng 3. Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC, cũng cho biết sẽ gia hạn một cam kết riêng, cắt giảm một triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa. Giới phân tích cho rằng mục tiêu trọng tâm của Saudi Arabia là đưa lượng dầu tồn kho trên toàn cầu về mức trung bình trong 5 năm qua.
“OPEC khiến chúng tôi bất ngờ. Thông điệp mà OPEC đang gửi đến cho thị trường là họ sẵn sàng cho phép giá dầu tăng nóng để rốt cục, giúp giảm mạnh lượng dầu tồn kho khổng lồ hình thành vào năm ngoái do tác động của Covid-19”, Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa ở Công ty TD Securities, nói.
Trước đó, một số nhà phân tích dự báo nhóm OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 500.000 thùng/ngày sau đồng thời Saudi Arabia sẽ dừng cam kết tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
OPEC+ chỉ lạc quan "ở mức độ thận trọng"
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz Bin Salman, nói rằng thị trường dầu vẫn còn đối mặt với tổn thương trong tương lai. “Khi bạn đang chứng kiến tình hình thị trường bất ổn và khó lường, tôi nghĩ có một số lựa chọn mà bạn có thể đưa ra. Tôi thuộc trường phái bảo thủ và nhìn nhận mọi thứ theo cách thận trọng. Tôi chỉ tin đà phục hồi của thị trường khi tôi thấy điều đó”, ông nhấn mạnh.
Tổng Thư ký OPEC, Mohammed Barkindo cảnh báo đại dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa cho nhu cầu dầu và hoạt động phân phối vaccine theo hướng ưu ái cho các nước giàu có thể dẫn đến đà hồi phục kinh tế không đồng đều trên toàn cầu.
Một báo cáo của các chuyên gia từ OPEC+ bày tỏ lạc quan ở mức độ thận trọng về triển vọng của thị trường do tình trạng không chắc chắn trên thị trường dầu vật chất và tình hình vĩ mô bao gồm rủi ro từ các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Báo cáo cho rằng đà tăng giá gần đây của dầu có thể do tác động các tay chơi tài chính trên thị trường dầu tương lai hơn là những cải thiện cơ bản ở thị trường thực tế.
Năm ngoái, OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, sau đó lần lượt hạ dần mức giảm về 7,7 triệu và 7,2 triệu thùng/ngày hồi tháng 1-2021. Saudi Arabia cũng tự nguyện giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong hai tháng qua.
Những biện pháp pháp khẩn cấp đó cùng với sản lượng cắt giảm bởi các nhà sản xuất ở Mỹ và các nước khác để giúp giá dầu bật dậy mạnh mẽ. Đà phục hồi đó tăng tốc trong những tháng gần đây khi hàng triệu người trên thế giới được tiêm vaccine Covid-19, cho phép các chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, lên mức 96,4 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn mức nhu cầu 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019. IEA nhận định nhu cầu sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay khi có thêm nhiều người dân trên thế giới được tiêm vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tốc độ phân phối vaccine. Ngay ở các nước đã đặt mua vaccine từ sớm bao gồm các nước ở Liên minh châu Âu (EU), chiến dịch tiêm chủng khởi động chậm chạp do chưa nhận được đủ số lượng vaccine như dự kiến. Chậm trễ trong nỗ lực tiêm vaccine có thể thể khiến nhu cầu dầu không cải thiện nhiều như mong đợi vào cuối năm nay.
“Động thái của OPEC+ chắc chắn gây ra rủi ro thị trường dầu bị thắt chặt quá mức”, Amrita Sen, nhà phân tích thị trường dầu ở Công ty tư vấn Energy Aspects, nói.
Quyết định giữ nguyên mức sản lượng hiện nay sẽ giúp củng cố ngân sách của các nước trong nhóm OPEC+ vốn bị tổn thương nặng nề vào năm ngoái do giá dầu giảm sâu, nhưng đồng thời cũng gây ra một số rủi ro. Giá dầu trên mức 60 đô la/thùng sẽ giúp hồi sinh các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, ‘đối thủ không đội trời chung’ của OPEC+.
“Bên cạnh Nga, nước hưởng lợi lớn nhất nhờ quyết định duy trì sản lượng của OPEC+ là Mỹ. Với các mức giá dầu hiện nay, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể yên tâm gia tăng sản lượng, ngay cả ở những dự án có mức hòa vốn cao”, Bjornar Tonhaugen, Giám đốc phụ trách các thị trường dầu ở hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định.
“Chúng tôi dự báo giá dầu sẽ tăng lên mức 70-75 đô la Mỹ/thùng trong tháng 4. Rủi ro ở đây là giá dầu cao sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu”, Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói. |
Bloomberg, Reuters
Xem thêm: lmth.man-tom-noh-gnort-tahn-oac-cum-nel-tov-gnat-uad-aig/803413/nv.semitnogiaseht.www