Người biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi tại TP Mandalay, Myanmar, ngày 28-2-2021 - Ảnh: EPA-EFE
Trên báo The Straits Times, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore, ông Bilahari Kausikan nhận định Myanmar không thể bị cô lập hoàn toàn. Nước này sẽ luôn có Trung Quốc và Ấn Độ làm chỗ dựa.
"Trong bất kỳ trường hợp nào thì quân đội Myanmar cũng không sợ bị cô lập. Trong phần lớn giai đoạn lịch sử kể từ khi Myanmar giành được độc lập, họ đã tự cô lập mình", ông Kausikan cho biết.
Trừng phạt chỉ làm tổn hại dân
Việc bị áp đặt các lệnh trừng phạt suốt 20 năm kể từ năm 1988, khi các cuộc biểu tình nổ ra trên cả nước sau nhiều thập kỷ cai trị của chính quyền quân sự, không khiến quân đội nước này chuyển hướng sang chế độ cai trị lập hiến.
Các lệnh trừng phạt chỉ khiến những nước áp đặt các lệnh trừng phạt đó cảm thấy hài lòng chứ không mang lại điều gì tốt đẹp. Các lệnh trừng phạt gây tổn hại đến dân thường Myanmar và đẩy quân đội nước này vào vòng tay Trung Quốc.
Vốn có sự nghi ngờ sâu sắc đối với Trung Quốc, quân đội Myanmar cũng không cảm thấy thoải mái với một tình huống như vậy. Một trong những lý do chính khiến họ thử nghiệm chính quyền lập hiến là để mở rộng các lựa chọn quốc tế của mình.
Tuy nhiên, so với việc nắm giữ quyền lực, thì việc mở rộng không gian ngoại giao và đẩy mạnh phát triển kinh tế là những vấn đề được cân nhắc thứ hai đối với quân đội Myanmar.
Binh sĩ Myanmar trong lần triển khai ở Yangon ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
Sau năm 1988, ASEAN đã mất 2 thập niên để thuyết phục quân đội Myanmar nhìn sang Indonesia như một hình mẫu về cách thức giúp họ duy trì vai trò chính trị mà không phải mang quân phục. Nhưng việc Tổng thống Suharto bị lật đổ vào năm 1998 đã khiến quân đội Myanmar kinh sợ.
Mãi đến năm 2003, quân đội Myanmar mới đủ tự tin để công bố "Lộ trình 7 điểm tiến tới mục tiêu hòa giải dân tộc và chuyển tiếp dân chủ" của mình. Hiến pháp do quân đội soạn thảo được phê chuẩn năm 2008, và cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp được tổ chức vào năm 2010.
Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền đã tẩy chay cuộc bầu cử đó, và mãi đến cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức vào năm 2012, nhà lãnh đạo đảng - bà Aung San Suu Kyi mới đắc cử. Đảng NLD đã giành chiến thắng vang dội vào năm 2015, và bà Suu Kyi đã lên nắm quyền trong một vai trò đặc biệt là "cố vấn nhà nước".
Ông Bilahari Kausikan - cựu quốc vụ khanh Bộ ngoại giao của Singapore và cũng là đại sứ Singapore tại LHQ, Nga và Israel, nhận định "cần có sự kiên nhẫn và người ta không thể kỳ vọng có được một giải pháp nào trong tương lai gần".
Chìa khóa ở đây là lòng tin. Không ai có thể thay đổi được suy nghĩ của các tướng lĩnh quân đội Myanmar ngoài bản thân họ. Chỉ khi quân đội Myanmar cảm thấy đủ an toàn thì mọi thứ mới bắt đầu thay đổi, và điều này đã xảy ra vào cuối những năm 1990 - đầu những năm 2000.
Quân đội Myanmar rõ ràng đã đi đến nhận định việc từ bỏ hẳn quyền lực, cho dù chỉ nhằm mục đích thử nghiệm, là một hành động hấp tấp hoặc sai lầm, theo nhận định của ông Kausikan.
"Tôi sẽ bắn vào mặt các người, tôi sẽ dùng đạn thật. Tôi sẽ tuần tra toàn thành phố tối nay và sẽ bắn bất cứ ai tôi gặp. Nếu muốn trở thành liệt sĩ, tôi sẽ thành toàn cho các người". Binh sĩ và cảnh sát vũ trang Myanmar bị cáo buộc sử dụng mạng chia sẻ video TikTok để dọa giết người biểu tình phản đối đảo chính - Ảnh: REUTERS
Gút mắc ở bà Suu Kyi?
Ông Bilahari Kausikan cho rằng lần này, quân đội Myanmar sẽ không nhân nhượng cho đến khi họ gạt bỏ hoàn toàn bà Suu Kyi khỏi các hoạt động chính trị.
Họ đã cáo buộc bà nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội vi phạm luật xuất nhập khẩu - vốn không đưa ra các quy định rõ ràng - khi tìm thấy nhiều thiết bị liên lạc tại nhà bà trong quá trình khám xét và tội vi phạm luật phòng chống thiên tai.
Những cáo buộc này nhằm ngăn cản bà tham gia các cuộc bầu cử tiếp theo, bất cứ khi nào chúng diễn ra. Quân đội cũng nhiều lần lên kế hoạch xóa bỏ vị trí cố vấn nhà nước mà bà Suu Kyi đang nắm giữ.
Tuy nhiên, ngay cả khi bị tước đi chức vị và bị giam giữ, thì bà Suu Kyi vẫn sẽ là một thế lực chính trị, thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn, và có khả năng trở thành một vấn đề hóc búa dai dẳng.
Đó là một thực tế khó khăn khác mà những người phản kháng và những người ủng hộ họ ở nước ngoài cần lưu ý.
TTO - Sau những tuyên bố ban đầu, quân đội Myanmar đã thể hiện sự cứng rắn nhanh chóng, bất chấp những can thiệp cũng như đe dọa trừng phạt của quốc tế.
Xem thêm: mth.18532637140301202-iyk-uus-ab-coud-yat-aohk-iod-nauq-ihk-ney-ihc-ramnaym/nv.ertiout