Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, siêu du thuyền là niềm kiêu hãnh của giới thượng lưu. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch bệnh, các siêu du thuyền này đánh mất lợi thế, khách hàng dần dần chuyển sang chơi du thuyền cá nhân. Nhu cầu chơi du thuyền tăng, trở thành trào lưu trải nghiệm cá nhân, câu lạc bộ vui chơi và phục vụ khách du lịch.
Khách hàng cá nhân tại TP.HCM chuyển hướng chơi du thuyền ngày càng nhiều. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Dân chơi chuyển hướng sang du thuyền cá nhân
Là nhà đóng tàu du lịch, du thuyền chuyên nghiệp, bà Hoàng Hà, đại diện Công ty Water Tour tại TP.HCM, đánh giá những năm gần đây nhu cầu mua sắm tàu du lịch, du thuyền tăng cao.
Cụ thể, trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19, công ty đã xuất xưởng khoảng 100 chiếc cho thị trường nội địa. Phân khúc thuyền bán ra có giá 2,2-2,4 tỉ đồng/chiếc với sức chứa 25 người trở xuống. Trong giai đoạn dịch, nhu cầu khách hàng có giảm nhưng công ty vẫn mở tour nhóm nhỏ để duy trì thói quen du lịch trên sông cho người dân.
Ngoài lĩnh vực chính là sản xuất du thuyền, công ty còn mở các tour khai thác thuyền để tạo thói quen cho khách hàng thay đổi trải nghiệm trên mặt nước, du lịch, di chuyển bằng đường thủy. Trong đó, chi phí trọn gói cho một ngày trải nghiệm du thuyền khoảng 15 triệu đồng. “Gói chi phí này khá phù hợp với các nhóm gia đình, bạn bè cho nhu cầu giải trí, trải nghiệm trên sông nước với phương tiện sang trọng, đầy đủ bảo hiểm” - bà Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng hiện bến bãi quy chuẩn được cấp phép để đón khách tại TP.HCM khá hạn chế. Do yêu cầu khắt khe từ các cơ quan quản lý nên dân chơi du thuyền phải tính toán rất nhiều yếu tố khi chi tiền mua tàu. Ngoài ra, hậu cần và cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa cũng là vấn đề đang rất được quan tâm và còn nhiều khúc mắc cần tháo gỡ.
Một chuyên gia của hãng thuyền buồm danh tiếng Corsair Marine International (Úc) có trụ sở tại TP.HCM đánh giá xu thế chơi du thuyền cá nhân và du lịch tại Việt Nam đang tăng trưởng. Minh chứng là chỉ trong một tháng cận tết, tại TP đã diễn ra hai cuộc triển lãm du thuyền có quy mô, thu hút sự quan tâm của các cá nhân, đơn vị du lịch, giới bất động sản.
Vị chuyên gia này cho biết du thuyền có mặt tại Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu, có giá dao động 300.000-400.000 USD. Ngoài nhu cầu cá nhân, gần đây các công ty du lịch cũng chuyển hướng mua thuyền để kinh doanh.
Tuy nhiên, vị này chỉ ra một số hạn chế cần tháo gỡ mới thúc đẩy được ngành đóng tàu và nhu cầu mua sắm du thuyền nội địa nhiều hơn. Đó là du thuyền có đặc thù riêng đòi hỏi có bến neo đậu, mặt nước vui chơi, trải nghiệm. Các cơ sở đóng, bảo trì, sửa chữa đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí hiện còn rất hạn chế.
Cạnh đó, mạng lưới sông ngòi, mặt nước các tỉnh phía Nam khá phong phú nhưng diện tích mặt nước đáp ứng yêu cầu không còn nhiều nên cần có sự hoạch định từ Nhà nước. Có như vậy, nhà đầu tư, dân chơi và các công ty du lịch mới có cơ sở để tham gia vào ngành công nghiệp mang lại hàng tỉ USD này.
Vị này cũng tiết lộ: Niềm kiêu hãnh siêu du thuyền bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên khách từ các nước châu Âu, Úc, Mỹ đã chuyển hướng sang mua sắm du thuyền cá nhân tăng đột biến. Đơn hàng của công ty hiện đã kín đến năm 2026. Thậm chí, một số mẫu mới vừa thiết kế đã chốt được hàng chục đơn đặt hàng.
Xin hướng khai thác vùng mặt nước neo đậu
Trước nhu cầu mua sắm và giải trí du thuyền gia tăng, mới đây Sở GTVT TP đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin hướng dẫn chuyên ngành về chấp thuận vùng nước neo đậu phương tiện trên đường thủy nội địa đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không vì mục đích kinh doanh trên địa bàn TP. Trong văn bản có nêu thực trạng và giải pháp về bến neo đậu cho các du thuyền, canô.
Theo sở này, hiện nay trên địa bàn TP có 92 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách, khách du lịch với 308 phương tiện chở khách. Chỉ riêng trong năm 2020, số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới phát sinh là 267, trong đó có 22 du thuyền, 28 canô (sức chở dưới 12 người).
Hiện tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn TP là 50. Tổng số canô (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị) được đăng ký đang hoạt động là 390 phương tiện.
“Với tiềm năng to lớn đó cùng tốc độ đô thị hóa nhanh của TP đã phát sinh nhu cầu thực tế sử dụng vùng nước ven bờ để neo đậu phương tiện cho tổ chức, cá nhân không kinh doanh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên đường thủy nội địa thời gian tới là rất lớn” - văn bản của Sở GTVT TP nêu.
Chính vì vậy, sở kiến nghị bộ trước mắt chấp thuận sử dụng vùng nước tiếp giáp bờ sông để lắp đặt phao nổi, liên kết với bờ bằng cầu dẫn đi bộ để neo đậu các phương tiện thủy nội địa này.
Trong đó, phao nổi bằng thép được đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có bố trí cọc bích neo buộc phương tiện. Cầu dẫn đi bộ là công trình có kết cấu đơn giản để kết nối với phao nổi và bờ. Phạm vi vùng nước khu vực neo đậu có chiều dài dọc sông khoảng dưới 50 m. Ngoài ra, không xây dựng các công trình phụ trợ khác như nhà chờ, nhà vệ sinh, kho bãi... trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch. Về phương tiện neo đậu thì chỉ tiếp nhận phương tiện thủy có sức chở đến 12 người.
Về lâu dài, sở kiến nghị Bộ GTVT ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chí kỹ thuật, thủ tục... để quản lý hoạt động đối với loại hình này.
Kiến nghị gia hạn khai thác ba cầu cạn Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về gia hạn khai thác cầu bến số 2, 3, 4 khu bến Bạch Đằng, quận 1 được phép hoạt động khai thác du lịch đường sông nội đô kết hợp phục vụ ẩm thực trên sông trong thời gian chờ TP thực hiện quy hoạch khu công viên cảng Bạch Đằng. Thời gian khai thác ba cầu cạn được kiến nghị gia hạn đến ngày 31-12-2022, thực hiện di dời không bồi thường khi TP triển khai quy hoạch bến Bạch Đằng. Trước đó, các cầu cảng này chỉ được hoạt động đến hết ngày 28-2-2021. |