Những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Amazon, YouTube… dù có doanh thu rất lớn tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam (VN) nhưng gần như không nộp thuế. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Số lượng người Việt Nam sử dụng dịch vụ của Google, Facebook…
ngày càng tăng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nội dung được nhiều người quan tâm trong dự thảo là quy định: Nếu trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài như Google, Facebook, Amazon… không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại VN thì bên mua (tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật VN) hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.
Nếu cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng (NH) thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay.
“Hằng tháng, NH thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài” - dự thảo nêu rõ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng quy định các NH có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế của các ông lớn như Google, Facebook… là khả thi. Bởi thực tế, nhiều NH trên thế giới đã làm việc này.
Một số NH lo ngại khi thực hiện quy định trên sẽ phát sinh thêm chi phí, nhân lực, quá tải. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng đó là trách nhiệm mà các NH phải làm với Nhà nước, trách nhiệm trước pháp luật. “Quản lý bằng số hóa nên các NH có thể thống kê và khấu trừ, tạm thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài” - ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý cần quy định cụ thể, chi tiết hơn để các NH có thể dễ thực hiện. Ví dụ, phân loại các giao dịch như đạt giá trị bao nhiêu trở lên thì mới thống kê và yêu cầu tài khoản đó kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài. “Ngoài ra, với những tài khoản có giao dịch tăng bất thường, giá trị cao hoặc có yếu tố giao dịch kinh doanh thì các NH cần kiểm tra, kiểm soát” - ông Thịnh lưu ý.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhìn nhận dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra quy định cá nhân, tổ chức trong nước có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế cho các công ty nước ngoài là hoàn toàn thực hiện được.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để giảm áp lực cho các NH, dự thảo cần đề xuất trả phí trích từ số thuế mà các NH đã khấu trừ, tạm thu thuế từ các tài khoản. Như vậy, các NH sẽ có chi phí để đầu tư nhân lực, công nghệ, kiểm tra, giám sát và thực hiện khấu trừ, nộp thay tiền thuế của các đơn vị ở nước ngoài khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua hàng ở trong nước.
Tránh đánh thuế hai lần
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), phân tích: Về nguyên tắc, các nhà cung cấp nước ngoài có kinh doanh và phát sinh doanh thu tại nước ta thì phải nộp thuế. Nhưng câu hỏi đặt ra là thuế đó ai nộp. Có hai cách để thu nộp nghĩa vụ thuế này.
Một là người có doanh thu, tức là các nhà cung cấp, các tập đoàn như Google, Facebook, YouTube…, nộp. Khi đó, họ sẽ thu tiền của khách hàng là tiền dịch vụ và thuế. Sau khi thu xong, họ sẽ giữ lại phần tiền dịch vụ của họ, còn phần thuế họ nộp cho Nhà nước.
Cách thứ hai: Người dùng dịch vụ, tức là các cá nhân, công ty ở VN, phải nộp. Khi đó, Facebook, Google, YouTube… chỉ thu tiền dịch vụ thôi. Còn phần thuế họ sẽ nói luôn trong hóa đơn rằng “không bao gồm thuế”, hoặc trong hợp đồng cung cấp dịch vụ họ sẽ nói rõ bên dùng dịch vụ phải nộp thuế. Trong trường hợp này, người dùng dịch vụ tại VN sẽ phải nộp thuế.
VN từ trước đến nay thu thuế của người dùng dịch vụ, tức là cách thứ hai (thường gọi là thuế nhà thầu). Lợi ích của cách thức này là cơ quan thuế có thể nắm được người dùng dịch vụ ở VN.
“Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính hiện nay dường như muốn quay lại cách thứ nhất, tức là thu trực tiếp thuế từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Với các tập đoàn lớn thì cách này có thể khả thi, vì giao dịch tài chính xuyên biên giới có thể xử lý được. Dĩ nhiên, khi thu thuế trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài có thể sẽ có rủi ro là phát sinh tình huống đánh thuế hai lần nếu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế rồi mà người dùng tại VN vẫn kê khai, nộp thuế. Bởi vậy, thông tư cần có những quy định để xử lý tình huống này” - ông Nguyễn Minh Đức nói.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cũng đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể đối với những tài khoản có nhiều giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài thì mới khấu trừ thuế và nộp thuế thay. Đồng thời, có thể quy định những tài khoản nào có thu nhập cao từ 1.000 USD trở lên thì NH, tổ chức tài chính mới thực hiện khấu trừ, tạm thu thuế nộp ngân sách. Sau đó, các cá nhân, tổ chức là chủ các tài khoản này sẽ thực hiện quyết toán thuế sau.
Thu thuế quảng cáo 1.143 tỉ đồng từ Google, Facebook Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế từ mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại VN như Google, YouTube, Facebook năm 2020 đạt 1.143 tỉ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 519 tỉ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỉ đồng. Tổng cục Thuế cho biết: Đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại VN như Google, YouTube, Facebook… cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các công ty này, hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại VN. “Như vậy, hiện các doanh nghiệp VN ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu, tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp” - Tổng Cục thuế cho hay. |