Techcombank mới đây đã cập nhật biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 1/3/2021, tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn.
Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm (tăng 0,35 điểm phần trăm); đối với khách hàng thường trên 50 tuổi tăng từ 2,95%/năm lên 3,2%/năm (tăng 0,25 điểm phần trăm). Tương tự, lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9-3,1%/năm lên 3,2-3,4%/năm.
Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường tăng mạnh 0,5 – 0,6 điểm phần trăm lên 4,4-4,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 4,1-4,3%/năm lên 4,5-4,8%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5%/năm lên 5,1-5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2-5,5%/năm đối với khách ưu tiên.
Tương tự, các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm khoảng 0,5-0,6%/năm. Hiện lãi suất cao nhất tại Techcombank áp dụng cho khách hàng thường là 5,8%/năm và khách hàng ưu tiên là 5,9%/năm. Để hưởng được mức lãi suất cao nhất này, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 3 tỷ trở lên khi gửi ở quầy hoặc gửi tiết kiệm qua kênh online.
VPBank cũng vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân từ ngày 2/3/2021 và điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Chẳng hạn, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với số tiền dưới 300 triệu là 3,5%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Nếu gửi từ 3 tỷ trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,7%/năm, cũng tăng 0,05-0,1 điểm % so với trước.
Hay tại kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5-3,7%/năm, tăng 0,05-0,2 điểm % so với trước đó.
Trong khi 2 ngân hàng trên rục rịch tăng lãi suất huy động, đa số các ngân hàng khác giữ nguyên so với hồi tháng 2 hoặc giảm nhẹ 0,1-0,2 điểm% ở một số kỳ hạn.
Các chuyên gia của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong 2 tháng đầu năm, các dự án vẫn chưa được triển khai trên diện rộng, do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì ở trạng thái dồi dào. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 01,52% so với tháng trước – mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.
Thu Thủy
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.61061910160301202-gnah-nagn-os-tom-iat-hnam-gnat-ogn-tab-gnod-yuh-taus-ial/nv.zibefac