Bên cạnh Bitcoin, Pi Network đang là dự án tiền kỹ thuật số được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Không những vậy, Pi Coin cũng khiến giới đầu tư và chuyên gia tranh luận nảy lửa về việc thực chất đồng tiền ảo này có thể trở thành Bitcoin thứ hai, hay chỉ là một trò lừa đảo gắn mác công nghệ.
Mới đây, trên sóng VTV đã diễn ra cuộc trao đổi giữa một nhà đầu tư đã có 6 tháng tham gia vào Pi Network với chuyên gia, mentor hàng đầu về blockchain tại Việt Nam - Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn. Cả hai đưa ra nhiều luận cứ để ủng hộ hoặc phản biện về dự án Pi Network.
Vẫn giữ quan điểm của mình như những phát ngôn trước, TS Đặng Minh Tuấn nghi ngờ về tính minh bạch của Pi Network - yếu tố quan trọng hàng đầu của blockchain. Trong khi đó, anh Tài - người ủng hộ đồng Pi, cho rằng tiền số là một tương lai không thể tránh khỏi, và Pi Coin là ứng cử viên sáng giá nhất.
"Dự án này mang tính xã hội rất cao bởi chỉ cần một chiếc điện thoại vào được internet là có thể tham gia. Pi là dự án có tính nhân văn, nhân đạo nhất từ trước đến giờ tôi từng thấy", anh Tài khẳng định. Đồng thời, vị này giải thích cơ chế "đào tiền" trên hệ thống Pi Network như sau:
"Với Pi, người tham gia điểm danh để nhận số công tương ứng với những gì mình đóng góp. Đó là điều làm cho Pi đáng tin và thu hút trên 13 triệu người.
Thực chất không phải đào bới hay làm gì cả mà chúng ta phải điểm danh, mỗi ngày một lần, có giá trị trong 24 tiếng, sau đó lại vào điểm danh tiếp. Giống như đi làm ở công ty, bạn cũng phải chấm công. Đến cuối tháng công ty mới thống kê người này làm đủ công hay thiếu. Về sau, quá trình mà bạn cống hiến cho hệ thống này như thế nào thì sẽ nhận được phần thưởng tương xứng.
Còn vấn đề minh bạch mà Tiến sĩ nói, nếu nhóm sáng lập không minh bạch thì có thể tự do cho mình một số lượng Pi khoảng 1-2 tỷ gì đó, nhưng trong sách trắng đã có công thức tính rồi, tương đương 25% tổng cung khi dự án lên sàn. Nếu muốn nhiều hơn thì người sáng lập có thể tự cho mình 30-40% và người tham gia phải chấp nhận, vậy tại sao họ không chọn tỷ lệ cao hơn mà chỉ là 25%? Bởi vì họ đã có công thức rồi".
Phản biện lại quan điểm trên, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng: "Quan điểm trên của anh Tài chủ yếu dựa vào niềm tin và nói miệng, bởi tác giả chỉ viết công thức trong sách trắng như vậy nhưng thực tế trong phần mềm có như thế hay không thì không ai biết. Cho đến thời điểm này không có bằng chứng nào cho thấy phần mềm chạy theo công thức đó, tất cả đều đang đóng nên không ai biết những gì trong sách trắng nói là đúng hay không".
Chưa kể, ngay từ bề ngoài nhìn vào, đã có những vấn đề không đúng. Ví dụ việc "đào" tiền không đơn giản là điểm danh tính công hay khai thác tài nguyên, mà đây là hành vi xác thực giao dịch.
"Hành vi ấy phải có ý nghĩa. Việc vào điểm danh và không làm gì cả, nó chỉ có ý nghĩa quảng cáo, chứ không mang tạo ra giá trị gì cho hệ thống hay xác thực giao dịch. "Đào" ở Bitcoin đúng là để xác thực các giao dịch. Còn hiện tại trên Pi Network chưa phát sinh giao dịch, nên cũng chưa thể xác thực", vị Tiến sĩ giải thích.
Tuy nhiên, anh Tài vẫn tin rằng Bitcoin sẽ dần trở thành quá khứ bởi nó phải lấy đi nguồn tài nguyên để đổi ra tiền ảo, còn Pi chỉ lấy niềm tin, ngày công của người tham gia và rồi sẽ nhận được phần thưởng tương xứng khi dự án lên sàn.
Bitcoin và Pi khác nhau thế nào?
Không ít nhà đầu tư hiện nay tin tưởng Pi Coin có thể trở thành "Bitcoin thứ 2", thậm chí vượt qua Bitcoin. Do đó, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn làm một phép so sánh giữa đồng Bitcoin và Pi Coin để mọi người nhìn nhận rõ ràng hơn, có thể tóm gọn lại như bảng sau:
Bên cạnh đó, liên quan đến giấc mơ trở thành phương tiện thanh toán cho toàn thế giới mà nhóm sáng lập Pi Network nói đến, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cho rằng đây là điều rất khó. Bởi Pi Coin không phải đồng tiền bản vị, không liên kết với các giá trị có thật mà chỉ dựa vào niềm tin, do đó, giá trị của Pi cũng rất bấp bênh, không ổn định, khó có thể trở thành phương tiện thanh toán
Không những vậy, nếu Pi trở thành phương tiện thanh toán đồng nghĩa với việc nhóm nhà sáng lập được hưởng 25% tổng cung tiền, đây là một điều rất nguy hiểm khi một cá nhân/tổ chức nắm giữ và kiểm soát một dòng tiền lớn như vậy.
Cuối cùng, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh: "Không ai đánh thuế giấc mơ nhưng giấc mơ phải có căn cứ".
Hoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị