Trong phiên giao dịch ngày 5/3, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng qua, do số liệu việc làm tại Mỹ tốt hơn mong đợi đã giúp đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ mạnh lên. Như vậy, giá vàng đã liên tục giảm trong ba tuần liên tiếp.
Cụ thể, giá vàng giao ngay ít thay đổi ở mức 1.699,30 USD/ounce vào lúc 1h45 sáng 6/3 (theo giờ Việt Nam). Trước đó cũng trong phiên này, giá vàng đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/6/2020 là 1.686,40 USD/ounce.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,1% xuống khép phiên ở mức 1.698,50 USD/ounce.
Báo cáo mới nhất cho thấy số việc làm tại Mỹ trong tháng 2 đã tăng nhiều hơn dự kiến, làm dấy lên hy vọng về một giai đoạn phục hồi kinh tế nhanh chóng được thúc đẩy bởi các đợt kích thích tài chính lớn và việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Thông tin trên đã nâng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 và đồng USD cũng tăng vọt.
Ông David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures, cho biết sự lạc quan về triển vọng nền kinh tế tiếp tục thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao hơn. Điều đó đã "thổi bay" động lực tăng của nhiều thị trường hàng hóa, bao gồm cả vàng.
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần giao dịch không mấy lạc quan với bốn phiên giảm và chỉ một phiên tăng nhẹ.
Mở đầu tuần mới trong phiên 1/3, giá vàng giảm 0,6% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, khi đồng USD mạnh lên đã tác động đến giá kim loại quý này.
Vàng được bày bán tại sở giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 19/2/2021.
Giá vàng phục hồi lại phần nào trong phiên 2/3 với mức tăng hơn 10 USD (tương đương 0,6%). Một số nhà phân tích cho rằng đà giảm của giá vàng có thể đã kết thúc khi triển vọng trên toàn cầu đang cho thấy nhiều dấu hiệu kém khả quan. Họ nhận định hoạt động bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu có thể quay trở lại, và ngân hàng trung ương nhiều nước đang lần lượt bày tỏ quan ngại về việc lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch 3/3, giá vàng thế giới giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Ngoài ra, hy vọng về đà phục hồi kinh tế nhanh chóng nhờ chương trình triển khai vaccine ngừa COVID-19 cũng thúc đẩy giới giao dịch đưa các tài sản an toàn như vàng ra khỏi danh mục đầu tư.
Áp lực từ lợi suất trái phiếu và đồng USD mạnh lên tiếp tục đè nặng giá vàng trong phiên 4/3, đẩy kim loại quý này xuống mức thấp nhất trong gần chín tháng.
Đà giảm tiếp tục kéo dài trong phiên 5/3, đưa giá vàng khép lại tuần giao dịch này với mức giảm 1,8%.
Một yếu tố được giới phân tích chú ý là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm thứ Năm (4/3) lặp lại cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và linh hoạt cho đến khi thị trường lao động Mỹ hoàn toàn phục hồi.
Phát biểu đó đã làm thất vọng các nhà đầu tư vào vàng, những người kỳ vọng ông sẽ hành động để đối phó với sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ - một diễn biến đã đẩy giá vàng xuống dưới 1.700 USD/ounce.
Các nhà phân tích của ngân hàng HSBC cho biết trong một ghi chú rằng những phát biểu của ông Powell dù không mới nhưng đã dập tắt mọi khả năng Fed sẽ hành động để kiểm soát lợi suất trái phiếu. Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục lên cao hơn nữa, giá vàng và các kim loại quý khác có thể sẽ còn xuống thấp hơn.
Ông Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích trưởng tại công ty môi giới ActivTrades, nhận định thị trường vàng vẫn đang trong xu hướng giảm và đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm tăng trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.61433742160301202-peit-neil-3-uht-naut-maig-yus-ioig-eht-gnav-aig/et-hnik/nv.vtv