Thủ tướng phát biểu khai mạc đối thoại - Ảnh: VGP
Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.
Theo chương trình, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, trí thức, chuyên gia và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ phát biểu. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận.
Tham dự có các ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…
Phát biểu giới thiệu hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045; triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Đối thoại 2045 nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Hội nghị nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.
Thủ tướng nhắc lại hai mong muốn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thống nhất đất nước và đưa Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu. Hội trường Thống Nhất cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong việc thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày thống nhất đất nước và chúng ta cũng có niềm tin vững chắc rằng mong ước của Bác về một Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực.
Đối thoại 2045 sẽ được tổ chức định kỳ
Đối thoại sẽ được tổ chức định kỳ, trực tuyến và trực tiếp về nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.
"Cuộc đối thoại còn thiếu vắng nhiều trí thức lớn, nhiều doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các cuộc đối thoại 2045 hằng năm với sự chủ trì của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước", Thủ tướng nói.
Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự hội nghị khoảng hơn 26 tỉ USD một năm.
Làm những điều lớn lao cho đất nước, đi đến cùng
Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc đối thoại. Ông nhắc lại tinh thần mạnh mẽ của người dân Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhắc lại những khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên Quảng Nam, quê hương của ông Huệ, ông cho biết, sau khi học ở nước ngoài, ông về làm việc trong nước trong dự án ô tô Vinfast, với mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển đột phá, làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt. Hiện đã có hơn 40.000 ô tô Vinfast lăn bánh trên đường Việt Nam, chỉ tính hơn 20 tháng kể ra bán từ chiếc xe đầu tiên.
Với tinh thần làm những điều lớn lao cho đất nước, dám nghĩ dám làm, đi đến cùng, sau giai đoạn phát triển đầu tiên, Vinfast đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, vươn tầm quốc tế, nhưng điều này không dễ dàng với nhiều khó khăn, thách thức, cần sự động viên, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam. Từ đó, chung tay nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Công ty Massan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.
Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.
Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...
Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.
Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn
Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do Chính phủ thành lập khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng…
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT - Ảnh: VGP
Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn
Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TP.HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.
Chính phủ cần tạo ra thể chế minh bạch, sáng suốt
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về đầu tư cho nông nghiệp và triển vọng của doanh nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, chủ tịch TH True Milk cho biết: Việc tổ chức Đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. Trong vòng 25 năm nữa, trên một nền tảng như hiện tại, những gì là thế mạnh của Việt Nam, bà đặt vấn đề.
Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.
Một lợi thế khác của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, đây là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.
Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.
TTO - Đối với 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương, dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản nhà nước.