vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng vẫn trăn trở bài toán tăng vốn

2021-03-07 07:08

Trong thông báo kế hoạch ĐHĐCĐ Vietcombank năm nay, ngoài thực hiện các nội dung thường niên thì sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021 - 2022. Mặc dù hiện nội dung phương án tăng vốn chưa được ngân hàng thông báo; tuy nhiên theo dự báo của giới chuyên môn, nhiều khả năng ngân hàng sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức và tiếp tục đề ra phương án phát hành riêng lẻ. Mục tiêu chào bán riêng lẻ 6,5% vốn được Vietcombank đưa ra từ năm 2019, song đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Một ông lớn nữa là VietinBank cũng vừa thông báo kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông năm 2021 vào ngày 16/4/2021. Hiện VietinBank là NHTMCP có vốn nhà nước chi phối duy nhất hiện nay chưa đạt chuẩn Basel II. Theo SSI, VietinBank sẽ đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II sau khi tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên với một ngân hàng lớn được kỳ vọng vươn tầm khu vực như VietinBank, áp lực tăng vốn vẫn rất lớn.

Tại BIDV, việc tăng tốc tín dụng cuối năm và quyết định chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, hệ số CAR của BIDV giảm từ 8,77% tại ngày 31/12/2019 xuống 8,34% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ vốn cấp 1 chỉ đạt 5,88%. Số dư trái phiếu cấp 2 đã gần đến giới hạn. Với hệ số CAR hiện tại, SSI ước tính, BIDV có đủ vốn để tăng trưởng tín dụng trong năm 2021. Nhưng việc tăng vốn là rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai, dễ dàng xoay xở khi thị trường có biến động.

Ngan hang Vietcombank

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh, tăng vốn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021. Nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn cho ngân hàng đó là các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12 - 13%, theo TS. Lực, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7 - 8%.

Áp lực tăng vốn với các NHTMCP có vốn nhà nước lại càng lớn. Giới chuyên môn nhận định, với việc chiếm tới gần 50% thị phần tín dụng toàn ngành, nếu các ngân hàng này không được tăng đủ vốn, thì hệ lụy có thể xảy ra như vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế… Ngược lại, nếu các tổ chức này dồi dào vốn, thì cơ hội giảm tiếp lãi suất, dù lãi suất đã về mức thấp kỷ lục, có thể sẽ tốt hơn.

Không chỉ giải quyết vấn đề hiện tại, việc tăng vốn còn để hiện thực hóa mục tiêu lớn hơn. Đó là Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng phát triển đến năm 2030 và mới đây nhất là Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và đến năm 2025 ít nhất 2 - 3 NHTM lọt vào top này.

Như vậy, có thể thấy vấn đề áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng không chỉ trong năm 2021 mà cả những năm tiếp theo.

Trong số những giải pháp trên, các ngân hàng đang ưu tiên giải pháp gọi vốn ngoại. VietcapitalBank vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa mức 30% nhằm hút vốn ngoại, tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, gia tăng sự cạnh tranh. OCB cho biết, ngân hàng vẫn tiếp tục kế hoạch bán tiếp 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank…

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc các ngân hàng lựa chọn giải pháp này là bởi hiện thị trường chứng khoán đang khá tích cực, giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt. Trong khi nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên room ngoại. Câu chuyện gọi vốn ngoại của các ngân hàng cũng đang được hậu thuẫn thêm từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo quy định tại Hiệp định này, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hai ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room.

Với nền tảng sức khỏe tài chính ngày càng được cải thiện rõ nét, cùng với kinh tế vĩ mô ổn định, các ngân hàng Việt Nam đã, đang và sẽ tạo sức hút nhất định đối với các nhà đầu tư ngoại. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng thành công các kế hoạch gọi vốn ngoại của ngân hàng ngày càng cao. Song, đó chỉ là đối với những ngân hàng có năng lực tài chính tốt. Còn đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, chất lượng hoạt động chưa tốt thì đó vẫn là nỗi trăn trở.

Để giải quyết bài toán tăng vốn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thống như: Một là tìm kiếm cổ đông chiến lược, cổ đông đầu tư tài chính. Hai là, tiếp tục kiên trì bài toán cho phép giữ lại lợi nhuận từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ba là, phát hành trái phiếu dài hạn tăng vốn cấp 2. Bốn là, kiên định đề xuất NHNN, Bộ Tài chính cho phép ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP).

TS. Lực cũng kỳ vọng, Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP đã đưa nhóm ngân hàng do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ vào danh sách lĩnh vực được bổ sung vốn Nhà nước sẽ sớm được đi vào cuộc sống để gỡ “nút thắt” tăng vốn cho các ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như các mục tiêu lớn của Ngành trong giai đoạn tới.

Xem thêm: lmth.59610000042210202-nov-gnat-naot-iab-ort-nart-nav-gnah-nagn/nv.semitaer

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng vẫn trăn trở bài toán tăng vốn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools