Làm sao để nhân tài đồng hành với quá trình phát triển doanh nghiệp?
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Với doanh nghiệp, nhân tài luôn là một trong những yếu tố quan trọng. Làm sao để xác định đó là nhân tài, tìm họ thế nào và quan trọng hơn cả là giữ họ ra sao trong hành trình phát triển doanh nghiệp?. Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm có chủ đề "nhân tài: tìm và giữ?" của CLB Thị trường (Saigon Times Group) tổ chức cho các doanh nhân, doanh nghiệp… tại TPHCM chiều hôm qua, 6-3.
Bà Trần Phương Nga đang chia sẻ tại buổi tọa đàm về nhân lực, nhân tài. Ảnh: Chánh Trung |
Năm 2020 đại dịch Covid-19 đã đẩy thị trường lao động rơi vào trạng thái sụt giảm nghiêm trọng với lực lượng lao động giảm sâu, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao, thu nhập của người lao động giảm.
Tuy nhiên dưới sự điều hành của Chính phủ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thị trường lao động đã phục hồi trở lại và dần trở lại quỹ đạo trong trạng thái bình thường mới. Thị trường lao động đã bị nhiều tác động, thay đổi vì vậy các doanh nghiệp phải có cách nhìn mới trong việc tuyển dụng, gìn giữ nhân sự nhất là nhân sự cấp cao, tài giỏi.
Tại buổi tọa đàm, bà Trần Phương Nga, nguyên Giám đốc nhân sự Công ty Fico-YTL và Tập đoàn bán lẻ Big C Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phải xây dựng các bước chiến lược để tìm, giữ nhân lực, nhân tài trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu để thu hút, giữ và gắn kết nhân tài.
Theo bà Nga, doanh nghiệp có thể tìm nhân lực, nhân tài qua bốn bước gồm tìm kiếm và kết nối qua mạng xã hội như Facebook, LinkedIn; định vị nhóm ứng viên-xác định cách giao tiếp và thông tin truyền thông đến đúng đối tượng; kết nối cộng đồng thường xuyên và từ đó xử lý dữ liệu cho công tác tuyển dụng.
Nơi có thể giao tiếp và kết nối với nhân tài, ứng viên tiềm năng của công ty còn có thể là ở các trường đại học, ứng viên tiềm năng quen biết và ngay cả nhân viên nội bộ. Để có chiến lược tuyển dụng thì doanh nghiệp cần phải có sự trao đổi với các CEO, xây dựng chiến lược nhân tài, quyết định nguồn ngân sách, ưu tiên tuyển dụng theo dự án, cập nhật thương hiệu.
Doanh nghiệp phải sử dụng nhiều số liệu để có chất lượng và quyết định tuyển dụng. Quyết định kênh nào tuyển dụng nhóm đối tượng nhân viên; quyết định kênh nào để post thông tin tuyển dụng; và xây dựng hồ sơ nhân tài theo vị trí với nhiều thông tin như độ tuổi, trường, vùng miền, kỹ năng, xu hướng hành vi cá nhân...
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang cao, việc tuyển dụng nhân tài quan trọng được cho là sẽ khó hơn vì không ít người không chấp nhận rủi ro rời bỏ việc làm đang ổn định. Sự hấp dẫn của việc làm việc cho các công ty khởi nghiệp có thể đang mất dần đi, các chuyên gia đánh giá thêm về tình hình nhân lực, tìm kiếm người tài hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Phó chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi chia sẻ: Để có được người tài, nhân lực tốt trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp cần xây dựng tháp đặc quyền kỳ vọng cho nhân lực của mình.
Theo tháp này thì doanh nghiệp phải cho nhân lực thấy được các đặc quyền kỳ vọng của mình bao gồm: được cống hiến; được yêu thương kết nối; được tôn trọng; được phát triển cá nhân; được môi trường tốt; được thu nhập như mong muốn. Nhân lực, người tài phải thấy, nhận được những đặc quyền này thì họ mới đến, gắn bó, cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.
Bên lề buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Miennam Petro đã có chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn về chiến lược xây dựng nguồn nhân lực trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo ông Tâm, cũng chính nhờ dịch Covid-19 mà nhân sự được sàng lọc tốt hơn.
Ông Tâm cho biết, đợt dịch này đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất song cũng qua đợt dịch này mà các doanh nghiệp đã có thời gian tái tạo, tạm ngừng để chọn lại nhân lực thích hợp cho các vị trí. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động như marketing online, ứng dụng công nghệ số tăng lên nên doanh nghiệp cần chuyển hướng chọn những nhân lực cho những vị trí này nhiều hơn.