Kinh đô ánh sáng Paris về đêm - Ảnh: Alberto Otero Garcia
Sự tăng trưởng về kinh tế và dân số của châu Phi đã khiến châu lục này trở thành một điểm nóng về cạnh tranh địa chính trị trong thập kỷ qua. Năm 2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế ghi nhận châu Phi đã trở thành khu vực phát triển nhanh nhất thế giới trong khi Diễn đàn kinh tế thế giới dự báo dân số của khu vực này sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 2,2 tỉ người vào năm 2050.
Từ năm 2009, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại song phương lớn nhất của châu Phi. Năm 2019, trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xảy ra, giá trị thương mại Trung - Phi đạt 192 tỉ USD.
Theo kênh France24, bên cạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Trung Quốc còn đầu tư vào truyền thông ở châu Phi. Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Chính phủ Trung Quốc, đang phát triển mạng lưới phóng viên lớn nhất châu lục này với trụ sở hoành tráng ở thủ đô Nairobi của Kenya.
Gần đây Pháp đang tăng cường sự hiện diện ở châu Phi bằng cách điều chỉnh chiến lược viện trợ với các quốc gia đang phát triển. Cụ thể, Paris đã tăng ngân sách viện trợ toàn cầu của mình ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chi tiêu cho viện trợ phát triển tăng từ 10,9 tỉ euro năm 2019 lên 12,8 tỉ euro vào năm 2020.
Ngày 2-3, các nghị sĩ Pháp thông qua dự luật tăng ngân sách viện trợ của Pháp lên 0,55% GDP vào năm 2022 và đảm bảo tiền viện trợ mang lại hiệu quả. Dự thảo luật bao gồm 5 mục tiêu chính là "giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng, giáo dục và bình đẳng giới", tập trung vào khu vực châu Phi cận Sahara và Haiti.
Dự luật này cũng bao gồm kế hoạch hồi hương tài sản bất minh của các nhà lãnh đạo nước ngoài trên đất Pháp. Năm 2020, một tòa án ở Paris đã kết án Teodorin Obiang, phó tổng thống của Guinea Xích đạo, 3 năm tù và khoản tiền phạt 30 triệu euro vì tội rửa tiền thông qua các tài sản ở Pháp. Việc trả lại những khoản tiền này là một phần trong chiến lược ngoại giao nhằm nâng cao hình ảnh của Pháp ở châu Phi.
Magali Chelpi-den Hamer, chuyên gia của Viện Chiến lược và quan hệ quốc tế Pháp, nhận định số tiền được trả có thể không lớn nhưng hành động này lại không thể chê vào đâu về mặt đạo đức.
Cũng theo France24, quan hệ của Pháp và châu Phi có lịch sử phức tạp. Pháp cùng với các nước châu Âu xâm lược các nước châu Phi từ khoảng thế kỷ 17. Sau khi phong trào giành độc lập thành công trong những năm 1950 và 1960, Pháp tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với nhiều thuộc địa cũ.
Sự chú ý của Pháp đến châu Phi giảm dần trong những năm 1990 để chuyển sang châu Âu. Tuy nhiên, Pháp đang phải xác định lại tầm nhìn với châu Phi một lần nữa để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đây.
Lần này, chính sách viện trợ mới của Pháp thiên về trợ cấp hơn là cho vay vì muốn tránh tạo ra bẫy nợ với các nước châu Phi như cách làm bị quan ngại của Trung Quốc.
Về điều này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói thẳng trong một chuyến công du đến châu Phi năm 2019: "Sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc vào châu Phi có nguy cơ mang lại tiêu cực trong trung và dài hạn. Tôi không muốn thấy việc đầu tư quốc tế xâm phạm chủ quyền hoặc làm suy yếu nền kinh tế của các đối tác lịch sử của chúng tôi".
Dự luật cải cách viện trợ của Pháp hiện đã được chuyển đến Thượng viện và dự kiến sẽ trở thành luật vào mùa hè này.
TTO - Một chuyên gia nhân quyền của LHQ cảnh báo chính phủ Lào về nguy cơ “quá ít việc làm và quá nhiều nợ nần” liên quan tới các dự án “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc tại nước này.