Trong khi lãi suất huy động tiền đồng tại các ngân hàng cao nhất chỉ 6%/năm, các doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất 12%/năm cho trái phiếu.
Lãi suất trái phiếu 11-12%/năm
Các thống kê thị trường đến đầu tháng 3 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng không có nhiều biến động mạnh trong các tháng đầu năm.
Theo đó ở thời điểm hiện nay, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất hiện nay theo thống kê đang thuộc về các ngân hàng như NVB (6,05%/năm) ở kỳ hạn 6 tháng và HDB, IVB (6,9%/năm) ở kỳ hạn 12 tháng.
Theo chứng khoán BVSC, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng đang ở mức 4,85%/năm và 5,69%/năm, cùng giảm xấp xỉ 1,5% o với cùng kỳ 2020 và gần như đi ngang so với tháng trước đó.
Điều bất ngờ là dù lãi suất huy động trên thị trường đang ở mức thấp, sản phẩm trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao.
Cụ thể theo thông báo của chứng khoán BVSC, trong kỳ tính lãi đầu năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Pung được tính lãi suất 12%/năm.
Tương tự, trái phiếu doanh nghiệp của Công ty sản xuất thép Úc SSE trong kỳ tính lãi đầu năm 2021 cũng được tính lãi suất lên tới 11,5%/năm.
Chứng khoán Vndirect cũng vừa chốt danh sách để thanh toán lãi trái phiếu do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển bất động sản Thế kỷ và Công ty cổ phần năng lượng Bắc Hà với cùng mức lãi suất là 10,5%/năm.
Trái phiếu sẽ tiếp tục bùng nổ?
Trong những năm gần đây, phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn được các doanh nghiệp đặc biệt ưa thích và được giới đầu tư đón nhận nhờ mức lãi suất hấp dẫn.
Lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 437.689 tỉ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỉ đồng năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 403.468 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và phát hành ra công chúng đạt 34.221 tỉ đồng, tăng 82,7% so với cùng kỳ.
Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu giảm nhiệt do tác động từ thắt chặt các quy định về điều kiện phát hành tại Nghị định 81/2020 có hiệu lực từ 1.9.2020.
Tuy nhiên, Nghị định 153 ban hành năm 2020 được đánh giá đang góp phần “cởi trói” cho thị trường trái phiếu, trong đó quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành.
Cụ thể, trách nhiệm của nhà đầu tư bao gồm tiếp cận và hiểu rõ đầy đủ nội dung, điều khoản trước khi quyết định mua hoặc giao dịch trái phiếu; tự đánh giá và chịu trách nhiệm về các rủi ro phát sinh; tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan về đối tượng nhà đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Theo chứng khoán Vndirect, với các doanh nghiệp, Nghị định 153 chỉ yêu cầu doanh nghiệp phát hành thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp.
Đồng thời đáp ứng các tỉ lệ an toàn tài chính, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt, chấp thuận và có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
"Chúng tôi cho rằng điều này tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu sôi động trở lại trong năm 2021, nhờ một số vướng mắc về quy định được tháo gỡ" - Vndirect đánh giá.
Không mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao
Bộ Tài chính thời gian gần đây liên tục khuyến nghị các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Theo đó, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Xem thêm: odl.176688-gnah-nagn-taus-ial-iod-pag-gnad-ueihp-iart-taus-ial/et-hnik/nv.gnodoal