Ngư dân Tin Yusos sống và đánh bắt cá trên thuyền ở khu vực sông Mekong và sông Tonle Sap ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia đổ lỗi cho các dự án thủy điện, khai thác cát, phá rừng, chuyển đổi đất ngập nước và biến đổi khí hậu đã khiến mực nước các con sông, hồ trong khu vực giảm mạnh.
Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá và đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người sinh sống xung quanh sông Tonle Sap và hồ Tonle Sap (Biển Hồ), theo Hãng tin Reuters ngày 8-3.
"Không còn cá lớn nữa" - ông Tin Yusos cho biết.
Ngày trước, ngư dân 57 tuổi này có thể đánh bắt khoảng 30kg cá mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện tại ông Yusos thường chỉ có thể bắt hơn 1kg cá, có giá khoảng 15.000 riel (3,69 USD), sau một ngày rong ruổi trên sông Tonle Sap và sông Mekong.
Mực nước ông Mekong thường dâng vào mùa mưa, hội tụ với sông Tonle Sap và tạo ra một dòng chảy ngược bất thường vào hồ Tonle Sao, khiến mực nước hồ dâng cao và cung cấp nguồn cá dồi dào cho hồ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng chảy đến hồ lớn nhất Đông Nam Á này đôi khi đến muộn hoặc có ít nước. Một trong những nguyên nhân là do hạn hán và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.
Việc 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong ảnh hưởng xấu đến các quốc gia nơi hạ lưu, đặc biệt là những người nông dân và ngư dân phụ thuộc vào con sông dài 4.350km, đã trở thành một vấn đề địa chính trị.
Mỹ đang thúc giục các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia yêu cầu Trung Quốc trả lời về vấn đề này.
Ông Marc Goichot, một chuyên gia về các tuyến đường thủy của khu vực sông Mekong tại Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), cho biết các con đập và hoạt động khai thác cát nói riêng có thể góp phần làm mất đi lượng cá.
"Cơ bản toàn bộ hệ thống sông đang thay đổi. Chúng ta cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những thay đổi đó" - ông Goichot nói.
Anh Ly Safi (32 tuổi), một ngư dân Campuchia, cho biết mùa đánh bắt cá năm nay rất tệ và anh cảm thấy bế tắc trong cuộc mưu sinh không thấy tương lai này. "Một số ngư dân có thể dành dụm tiền để lên bờ và kinh doanh trên đất liền, nhưng với chúng tôi thì không thể" - anh Safi chia sẻ.
TTO - Ủy hội sông Mekong vừa phát thông cáo nêu đánh giá ‘đáng lo ngại’ về tình trạng mực nước con sông này xuống quá thấp do ảnh hưởng lượng mưa và đập Cảnh Hồng bên Trung Quốc.