GHI DẤU LỊCH SỬ
Sofitel Legend Metropole Hà Nội nằm ở số 15 Phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), là khách sạn 5 sao đầu tiên tại Hà Nội, mở cửa đón khách từ năm 1901 (khi đó có tên Grand Hotel Metropole Place). Công trình do Gustave Émile Dumoutier, một viên chức trong ngành giáo dục và Andre Ducamp, nhà đầu tư độc lập người Pháp, góp vốn dưới danh nghĩa Công ty kinh doanh bất động sản Pháp (Societe Francaise Immobiliere).
Theo Thời báo phố Wall, Grand Hotel Metropole Place là công trình đầu tiên ở Đông Dương được xây dựng nhằm thể hiện "sự chuyển động" của khu vực này. Trong khi đó, công trình này cũng được Indochinoise nhận định "là khách sạn đồ sộ nhất Đông Dương" thời bấy giờ.
Hình ảnh khách sạn Metropole trên bưu thiếp vào đầu thế kỷ XX
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi đón tiếp các chính trị gia, nhà ngoại giao và những nhân vật quốc tế nối tiếng quan tâm đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau khi chủ nghĩa thực dân sụp đổ, khách sạn trở thành địa điểm làm việc ưa thích của các nhà báo, nhà ngoại giao.
Năm 1954, công trình được tiếp quản bởi Việt Nam và đổi tên thành Khách sạn Thống Nhất do UBND thành phố Hà Nội quản lý. Sau quãng thời gian bị lãng quên do giai đoạn chuyển giao chính quyền, mãi đến năm 1990, cái tên Metropole mới được trả lại như ban đầu.
Năm 1996, Metropole được chọn làm thành viên của tập đoàn các khách sạn nổi tiếng thế giới, đồng thời được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao tặng danh hiệu khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội.
Năm 2011, khi cải tạo một hạng mục của khách sạn, người ta còn tìm thấy ở đây một căn hầm trú ẩn bí mật thời chiến tranh. Nơi đây vẫn còn bút tích của nhà ngoại giao Australia, Bob Devereaux khi ông đã khắc tên mình lên tường hầm vào năm 1975.
Bên trong hầm trú ẩn bên dưới khách sạn Metropole Hà Nội.
Căn hầm này rộng 40m2, đã mở cửa đón khách lưu trú tham quan từ năm 2012. Các tour được tổ chức miễn phí vào 17h và 18h hàng ngày. Năm 2013, khách sạn nhận giải danh dự của UNESCO vì những cố gắng bảo tồn di sản văn hóa - hầm tránh bom từ thời Mỹ ném bom miền Bắc.
NHỮNG VỊ KHÁCH NỔI TIẾNG THẾ GIỚI
Trong suốt lịch sử 120 năm của mình, khách sạn Sofitel Legend Metropole đã đón tiếp rất nhiều nhân vật từ chính trị gia đến doanh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.
Năm 1936, sau khi tổ chức lễ cưới tại Thượng Hải, vua hề Charlie Chaplin đã cùng vợ dạo chơi trên đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền) và hưởng tuần trăng mật tại khách sạn này.
Metropole cũng là nơi dừng chân của nhà văn người Mỹ Graham Greene – tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Người Mỹ trầm lặng". Ông thậm chí còn viết tác phẩm "Quý ông trong phòng trọ" tại đây.
Bên cạnh đó, có thể điểm danh không ít chính trị gia đã chọn khách sạn này làm chốn nghỉ trong những chuyến thăm Việt Nam như cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, cựu Tổng thống Thụy Sĩ, Cộng hòa Togo, Vua Malaysia, Công chúa Monaco, Hoàng tử William, Thủ tướng Đan Mạch, Australia, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Canada, Nigeria, Na Uy…
Ngoài ra, nơi đây cũng in dấu chân những vị khách đặc biệt khác như Mark Zuckerberg, vợ chồng sao Hollywood Angelina Jolie và Brad Pitt, Stephen Hawking, Joseph Stiglitz - người đạt giải Nobel Kinh tế... Khách sạn còn thể hiện sự trân trọng bằng cách đặt tên món ăn hoặc phòng theo tên của một vài nhân vật này.
Tháng 11/2017, cựu Tổng thống Donald Trump chọn Metropole làm nơi ở trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Năm 2019, khách sạn này tiếp tục được cựu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un chọn làm nơi gặp mặt.
3 ĐỒNG DOANH THU NHẬN VỀ 1 ĐỒNG LÃI
Sau nhiều lần cổ phần được mua qua bán lại, hiện tại khách sạn Sofitel Legend Metropole được kiểm soát bởi 2 cổ đông là Hanoitourist và Indotel Limited. Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Metropole (tháng 1/2018), khách sạn 5 sao lâu đời nhất Hà Nội này có 2 cổ đông gồm Indotel Limited sở hữu 50% tương đương 203 tỷ đồng và Hanoitourist sở hữu 50% còn lại.
Tổng cộng, khách sạn có 364 phòng và chia làm 2 khu: Khu Metropole cổ và khu Opera mới. Giá thuê phòng tại đây cũng thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất tại Hà Nội, dao động từ 4,7 đến gần 20 triệu đồng/đêm/người. Đặc biệt, căn phòng sang trọng nhất của khách sạn là Grand Prestige Suite, hay còn gọi là phòng tổng thống của Sofitel Metropole có giá lên tới 4.500 USD/đêm (tương đương hơn 90 triệu đồng).
Dù không thường xuyên công bố báo cáo tài chính nhưng thời điểm còn nằm trong danh mục của quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (thuộc VinaCapital), kết quả kinh doanh của khách sạn đã được tiết lộ ít nhiều.
Các báo cáo của VOF cho thấy Metropole là khách sạn nằm trong nhóm có doanh thu cao nhất tại Hà Nội, lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Giai đoạn 2011-2014, doanh thu mỗi năm của khách sạn dao động trên dưới 35 triệu USD, lợi nhuận ròng năm 2013 lên tới 9,7 triệu USD. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) khoảng 21-25%.
Cụ thể, Metropole thu về tới 34,3 triệu USD doanh thu và 6,9 triệu USD lợi nhuận trong năm 2011. Trong các năm sau đó, doanh thu của khách sạn này cũng đều đạt trên 35 triệu USD và lợi nhuận đều xấp xỉ 10 triệu USD.
Trong năm 2014, doanh thu của khách sạn này cũng đạt 37,1 triệu USD và lợi nhuận đạt 9,6 triệu USD.
Sau khi VOF thoái vốn, kết quả kinh doanh của khách sạn này không còn được cập nhật thường xuyên, nhưng Hanoitourist khẳng định Metropole luôn là khách sạn có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất trong hệ thống các khách sạn mà doanh nghiệp này sở hữu.
Năm 2017, Metropole đạt 931 tỷ đồng doanh thu và 311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tức cứ 3 đồng doanh thu thì có 1 đồng lợi nhuận.
Trong năm 2018, riêng Metropole đã mang về 80 tỷ lợi nhuận cho Hanoitourist trong tổng số 118 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ công ty liên kết.
Hoàng Thùy (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị