Tờ Nikkei Asia (Nhật) ngày 7-3 đăng bài viết của Đô đốc James Stavridis, cựu Tổng tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bình luận về báo cáo “The Longer Telegram” do Hội đồng Đại Tây Dương xuất bản, trong đó vạch ra một kế hoạch chi tiết cho chiến lược của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc.
Qua đó, báo cáo đã cung cấp những manh mối quan trọng về một đợt bố trí lực lượng mới của Mỹ ở khu vực Đông Á.
Lằn ranh đỏ của Mỹ
Liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có hoàn toàn đi theo lập trường cứng rắn của báo cáo này hay không còn phải được xem xét, nhưng nhiều yếu tố của nó đang được cân nhắc nghiêm túc.
Chắc chắn, đội đặc nhiệm mới tại Hội đồng An ninh Quốc gia, do chuyên gia châu Á Kurt Campbell dẫn đầu cùng những thành viên am hiểu về châu Á, sẽ xem xét nhiều lựa chon cho các bộ phận của quân đội nhằm xây dựng một thế trận chiến lược tổng thể mới.
Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận ở Chonburi, Thái Lan hồi tháng 2-2020 - Ảnh: AP
Một trong số những yếu tố quan trọng chính là “lằn ranh đỏ”, giới hạn mà Mỹ sẽ phản ứng quân sự nếu Trung Quốc vượt qua, bao gồm:
- Bất kỳ hành động nào sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học nào của Trung Quốc hoặc của Triều Tiên chống lại Mỹ hoặc các đồng minh của họ.
- Bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan hoặc các đảo ngoài khơi của Đài Loan, bao gồm cả phong tỏa kinh tế hoặc cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào các cơ quan và cơ sở hạ tầng công cộng của Đài Loan.
- Bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc chống lại các lực lượng Nhật bảo vệ chủ quyền của Nhật tại quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi) / Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi), cũng như tại vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Nhật ở biển Hoa Đông.
- Bất kỳ hành động thù địch lớn nào của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm cải tạo và quân sự hóa các đảo, triển khai vũ lực chống lại các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác hoặc ngăn chặn hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và các đồng minh.
- Bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào lãnh thổ chủ quyền hoặc các tài sản quân sự của các đồng minh theo hiệp ước của Mỹ.
Sách lược của Mỹ
Tại trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nhóm chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đang cùng nhau đưa ra các cách tiếp cận mới cho việc triển khai lực lượng Mỹ.
Các phương án mới này sẽ được gửi về Lầu Năm Góc như một phần trong đánh giá thế trận quốc phòng do tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đảm nhiệm. Vậy có điều gì đáng chú ý?
MSDF MH-60 Sea Hawk cất cánh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: INDOPACOM
Một lựa chọn là nâng cao vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng này có lịch sử hoạt động lâu dài ở Thái Bình Dương từ sau Thế chiến thứ hai đến trước khi xảy ra sự kiện 11-9.
Dưới sự lãnh đạo tài trí và năng động của Tư lệnh Thủy quân lục chiến Dave Berger, thủy quân lục chiến với đội hình binh sĩ lớn cùng chiến thuật dựa trên nền tảng trên bộ của "các cuộc chiến tranh không hồi kết" ở Trung Đông đã biến mất.
Thay vào đó, trong bối cảnh chiến lược Mỹ-Trung, thủy quân lục chiến sẽ được bố trí nền tảng trên biển và có thể đi vào các vùng biển ở Biển Đông, ngay bên trong các chuỗi đảo mà Trung Quốc dựa vào để phòng thủ.
Một khi đã ở bên trong, họ sẽ sử dụng máy bay không người lái có vũ trang, khả năng tấn công mạng, đặc nhiệm Marine Raiders, tên lửa phòng không và thậm chí cả vũ khí tấn công diệt hạm để tấn công lực lượng hàng hải Trung Quốc, và có thể cả các chiến dịch trên bộ. Về bản chất, đây sẽ là chiến tranh du kích từ trên biển.
Bên cạnh cách tiếp cận chiến thuật và hoạt động trên biển mới, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra quyết đoán hơn qua các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.
Ông Stavridis đánh giá rằng tư tưởng chiến lược này rất thông minh: dần dần đưa các tàu chiến của đồng minh tham gia các hoạt động tự do hàng hải quyết đoán này. Điều này sẽ quốc tế hóa áp lực đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt, Lầu Năm Góc đang hy vọng Anh, Pháp và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác sẽ tham gia nỗ lực này. Thật vậy, Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO gần đây ở Brussels đã bàn bạc về vai trò của liên minh này trong việc đối mặt sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc.
Qua thời gian, Mỹ sẽ thuyết phục Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore và các nước khác tham gia vào các đợt triển khai này.
Thế trận chiến lược hàng hải tổng thể của Mỹ được dự đoán sẽ tạo ra một liên minh hàng hải toàn cầu để đối mặt với các lực lượng có năng lực cao của quân đội Trung Quốc.
Tiêm kích F/A-18C Hornet trên tàu sân bay USS Nimitz. Ảnh: INDOPACOM
Ngoài các hoạt động trên biển, Không quân Mỹ có thể sẽ điều động các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tầm xa tới các căn cứ ở Thái Bình Dương hiện đang phân bố rộng khắp châu Á, trong đó các căn cứ lớn ở Guam, Nhật, Úc và Hàn Quốc đóng vai trò hỗ trợ chính.
Tư tưởng này sẽ làm tăng thêm khả năng cơ động cao cho sức mạnh chiến đấu tập trung hiện nay, dựa vào sự tăng cường máy bay chiến đấu được triển khai trong khu vực.
Cuối cùng, Lục quân Mỹ sẽ tăng cường cả sức mạnh chiến đấu và khả năng cơ động để triển khai các đơn vị theo hướng hỗ trợ các lằn ranh đỏ được nêu trên, bao gồm tăng cường năng lực cho lực lượng đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật đảm bảo khả năng triển khai dễ dàng tới các đảo nhỏ hơn trong khu vực.
Cả Lục quân và Không quân cũng sẽ tham gia vào các cuộc huấn luyện và tập trận bổ sung với Đài Loan. Cùng với đó, Mỹ cũng sẽ tập trung vào Lực lượng Không gian mới được cho là sẽ thu thập thông tin tình báo và trinh sát đối với chiến trường này, cũng như đề cao các lựa chọn tấn công mạng tăng cường từ Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ để phối hợp với Cơ quan An ninh Quốc gia.
Tổng hợp lại, có vẻ như rõ ràng quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện và khả năng tác chiến ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời đặt mình vào vị trí một cuộc xung đột với Trung Quốc trong những thập niên tới.
Ông Stavridis kết luận rằng báo cáo "Longer Telegram" cung cấp manh mối quan trọng về những lựa chọn mà Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang xem xét như một phần của chiến lược mới để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hy vọng rằng các nhà ngoại giao khéo léo và nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau của hai cường quốc sẽ ngăn chặn chiến tranh bùng nổ, ông Stavridis bày tỏ.