Các bị cáo trong phiên xử chiều 8-3 - Ảnh: GIANG LONG
Trong khi đó, bị cáo Trần Thị Bình - cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho rằng những công văn mình ký với nội dung giao PVC (Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam mà Trịnh Xuân Thanh từng làm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc) thực hiện gói thầu là làm theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.
Bà Bình biện luận khi mình ký công văn thì hợp đồng đã được ký nên nghĩ "chẳng chết ai".
Từ đấu thầu rộng rãi chuyển sang chỉ định thầu
Chiều 8-3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 11 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ chuyển sang phần xét hỏi. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp cách ly ông Thăng để thẩm vấn các bị cáo còn lại.
Ông Vũ Thanh Hà - thành viên HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) - cho biết vào năm 2009, PVB được thành lập theo nghị quyết của PVN để thực hiện dự án nhiên liệu sinh học phía Bắc - Ethanol Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, trong đó vốn tự có 30%, 70% đi vay.
Theo lời khai của ông Hà, ban đầu PVB xây dựng kế hoạch đấu thầu rộng rãi với mong muốn có nhà máy chất lượng tốt. PVB đã chọn đơn vị tư vấn nước ngoài để tư vấn, đã phát hành hồ sơ yêu cầu mời thầu và đã có các nhà thầu tham gia. Tuy nhiên, khi chấm thầu thì các nhà thầu tham gia đều không đạt đủ tiêu chí theo yêu cầu.
"Trong thời gian này, PVC có gửi văn bản đề nghị hạ thấp một số tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu nhưng bị cáo đã từ chối. Bị cáo không nhớ có văn bản từ chối hay không, nhưng chắc chắn là không xử lý vấn đề này", ông Hà khai.
"Vì sao dự án đang được đấu thầu công khai lại chuyển sang chỉ định thầu?", chủ tọa đặt vấn đề.
Ông Hà giải thích đã nhận được rất nhiều chỉ đạo bằng văn bản công khai từ PVN, do ông Vũ Quang Nam, Đinh La Thăng và bà Trần Thị Bình ký về việc chỉ định thầu cho liên danh của PVC.
"Lúc đầu vẫn tổ chức đấu thầu công khai song song, nhưng vì PVN chỉ đạo rất sát sao, mà trực tiếp là ông Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu cho liên danh của PVC nên bị cáo nghĩ rằng việc chỉ định thầu đã được tập đoàn quyết định rồi. Bị cáo cũng được tiếp cận nghị quyết của tập đoàn về việc ưu tiên cho PVC, nên thấy đó là trách nhiệm của mình", ông Hà phân trần.
‘Ký công văn vì nghĩ chẳng chết ai’
Bị cáo Trần Thị Bình tại tòa - Ảnh: TTXVN
Bà Trần Thị Bình cho biết đã ký văn bản trên tư cách phó tổng giám đốc PVN đề nghị các cổ đông xem xét năng lực và nhu cầu thực tế của dự án để chỉ định thầu cho PVC.
Theo cáo buộc của viện kiểm sát (VKS), vào tháng 3-2009, PVC gửi công văn cho PVN và chủ đầu tư xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ. Ngay khi nhận được công văn, ông Thăng bút phê chỉ đạo phó tổng giám đốc PVN giải quyết theo chủ trương.
Bà Trần Thị Bình với tư cách phó ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học đã chỉ đạo: "Ban quản lý đầu tư xem xét xử lý để có hướng dẫn cho các đơn vị liên quan".
VKS cho rằng căn cứ chỉ đạo từ ông Thăng và bà Bình, cán bộ cấp dưới đã dự thảo công văn cho bà Bình ký với nội dung: "Tổng giám đốc PVN đề nghị người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao PVC thực hiện gói thầu EPC".
Bà Bình giải thích thời gian đầu nhận được biên bản họp từ PVB, PVC có bút phê của ông Thăng, khi đọc đã có ý định không làm vì vượt quá quyền hạn, cho rằng mình không được giao quản lý PVC nên không biết cụ thể năng lực chuyên môn của đơn vị này. Tuy nhiên, ban chuyên môn tham gia dự án có tư vấn cho bà rằng liên danh của PVC có thể thực hiện dự án nếu quyết tâm nỗ lực.
"Hai công văn tôi ký là sau khi các đơn vị đã thực hiện nội dung đề cập trong công văn. HĐQT PVC đã họp ra nghị quyết nhận hợp đồng này và 2 đơn vị đã ký hợp đồng. Cho nên công văn tôi đề nghị HĐQT đồng ý chủ trương cho PVC chỉ định thầu không ảnh hưởng gì đến quá trình ký hợp đồng. Công văn của tôi không có tác động gì, tôi nghĩ đơn giản vấn đề như vậy. Tôi nghĩ chẳng chết ai vì công văn này không nằm trong quy trình quy định pháp luật nào", bà Bình phân trần.
Theo cáo trạng, để hoàn thiện thủ tục, tháng 6-2009 bà Bình ký công văn gửi HĐQT Tập đoàn Dầu khí đề nghị đồng ý giao PVC do Trịnh Xuân Thanh điều hành thực hiện dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Trên cơ sở này, ông Thăng đã ký nghị quyết đồng ý chủ trương.
Tuy nhiên, đến tháng 9-2009 liên danh nhà thầu đơn phương dừng thi công dự án khi chưa hoàn thành hạng mục nào. Hậu quả, PVB phải trả lãi 125 tỉ cho khoản vay hơn 1.400 tỉ và còn phải trả cho các ngân hàng 417 tỉ.
VKS cáo buộc hành vi của ông Đinh La Thăng và các bị can gây thiệt hại hơn 543 tỉ. Trong đó ông Thăng có vai trò chính, bà Trần Thị Bình là đồng phạm.
Không làm theo chỉ đạo đồng nghĩa với xin nghỉ việc
Bị cáo Lê Thành Thái - cựu trưởng phòng kinh doanh PVB - khai được tổng giám đốc PVB khi ấy là bị cáo Vũ Thanh Hà định hướng phải chỉ định thầu cho liên danh của PVC, việc đó là "không thể thay đổi được" và phải hoàn thành sớm.
Bị cáo thừa nhận biết việc thẩm định hồ sơ có thiếu sót, trong đó tiêu chí năng lực nhà thầu phải đạt dự án 100 triệu lít năm của liên danh PVC đã bị bỏ qua.
Lý giải hành vi sai phạm của mình, bị cáo Thái nói: "Nếu quá trình thẩm định mà tôi nêu yêu cầu đó, bổ sung tiêu chỉ đó vào thì đồng nghĩa tôi nghỉ việc luôn".
TTO - Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 10 đồng phạm khác bị xét xử do gây ra những sai phạm liên quan dự án Ethanol Phú Thọ.
Xem thêm: mth.47521307180301202-ia-tehc-gnahc-ihgn-iv-uaht-hnid-ihc-nav-gnoc-yk-nvp-pes-uuc/nv.ertiout