Năm nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trùng vào thứ 4 (ngày 21/4), không phải cuối tuần nên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 1 ngày. Đối với ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay sẽ trùng vào thứ 6 và thứ 7.
Do vậy, theo điều 111, Luật Lao động 2019, nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp. Bởi ngày Quốc tế Lao động trùng với ngày thứ 7 nên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ bù thêm 1 ngày 3/5.
Vì vậy dịp Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, người lao động có chuỗi ngày nghỉ dài 4 ngày, gồm 2 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Làm thêm giờ ngày 30/4 và 1/5 nhận lương bao nhiêu?
Dịp 30/4 và 1/5 năm nay, người lao động được hưởng lương - thưởng như sau:
Không đi làm ngày lễ: Theo khoản 1 Điều 112 BLLĐ năm 2019, ngày 30/4 và 1/5, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương. Do đó, nếu nghỉ 2 ngày này, người lao động được hưởng 100% lương của ngày làm việc bình thường.
Đi làm ngày lễ (ban ngày): Người lao động đi làm vào ngày 30/4 và 1/5 được tính là làm thêm giờ.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 98 BLLĐ năm 2019, người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ thì được hưởng ít nhất bằng 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày.
Như vậy, nếu tính cả lương được trả cho ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 400% lương của ngày làm việc bình thường.
Đi làm vào ban đêm của ngày lễ: Theo khoản 3 Điều 98 BLLĐ năm 2019, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm sẽ được hưởng thêm lương làm việc vào ban đêm và lương làm thêm giờ của công việc bình thường, đồng thời được hưởng thêm 20% tiền lương của công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc đó. Theo đó, người lao động làm việc vào ban đêm của ngày 30/4 và 1/5 được hưởng tối thiểu 490% lương của ngày làm việc bình thường (nếu tính cả lương của ngày nghỉ).
Theo Hà Trần
Doanh nghiệp & Tiếp thị