Sáng 8-3, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII đã nhóm họp. Hội nghị thảo luận Chương trình làm việc toàn khóa và thảo luận việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Giới thiệu các nhân sự ứng cử
Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng báo cáo một số công việc liên quan đến công tác nhân sự mà Bộ Chính trị khóa XIII đã triển khai từ sau Đại hội XIII. Theo đó, Bộ Chính trị đã phân công một bước các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư; chuẩn bị và giới thiệu các ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XV; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.
Tổng bí thư cho biết: “Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.
Triển khai công việc này, tuân thủ Quy chế làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 2 quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH.
Với các chức danh lãnh đạo cấp cao khác thuộc thẩm quyền quyết định của mình, Bộ Chính trị cũng báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi chính thức giới thiệu nhân sự để QH xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
3 chức danh chủ chốt thuộc diện Trung ương giới thiệu
Theo hiến pháp, QH có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch, Phó Chủ tịch QH; ủy viên Ủy ban Thường vụ QH; chủ tịch Hội đồng Dân tộc và chủ nhiệm các ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ; chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; tổng Kiểm toán Nhà nước.
QH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; thẩm phán TAND Tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trong các chức danh trên, theo Quy chế làm việc của BCH Trung ương và Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì ba chức danh chủ chốt thuộc diện BCH Trung ương giới thiệu, quyết định gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH.
Các chức danh còn lại, trừ thẩm phán TAND Tối cao, đều thuộc diện Bộ Chính trị giới thiệu, quyết định.
Thay nhiều lãnh đạo không tái cử Trung ương khóa XIII
Theo Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, tất cả chức danh lãnh đạo cấp cao các cơ quan nhà nước đều được cơ cấu tham gia BCH Trung ương khóa XIII; một số vị trí phải là ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư.
Chiếu theo tiêu chí ấy, nhiều vị lãnh đạo đương nhiệm không tái cử BCH Trung ương khóa XIII. Cụ thể: Ở thiết chế Chủ tịch nước là một Phó Chủ tịch; ở cấp lãnh đạo Chính phủ là 2/4 Phó Thủ tướng. Ở cấp bộ trưởng - thành viên Chính phủ là 8/21; ở nhánh QH là Chủ tịch và 4/4 Phó Chủ tịch, cùng 8/13 lãnh đạo các cơ quan của QH.
Đó là chưa kể một số nhân sự khác sau Đại hội XIII đã tái cử ở vị trí chính trị cao hơn so với chức danh nhà nước họ đang nắm giữ. Chẳng hạn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh - hai ủy viên Trung ương khóa XII trúng cử Bộ Chính trị khóa XIII, trong đó ông Tuấn Anh đã được Bộ Chính trị phân công trưởng Ban Kinh tế Trung ương…
Ngoài ra, từ việc kiện toàn các chức danh nhà nước thì sẽ dẫn tới yêu cầu sắp xếp lại một số vị trí trong Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia cho đảm bảo yêu cầu về cơ cấu.
Như vậy, với các chức danh nêu trên, nếu tìm được ứng viên phù hợp thì BCH Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chính thức giới thiệu để QH kỳ họp tới, dự kiến khai mạc ngày 24-3, tiến hành miễn nhiệm để bầu, phê chuẩn nhân sự thay thế.
Công tác nhân sự được làm cẩn trọng Từ tháng 11-2018, Bộ Chính trị khóa XII đã triển khai việc quy hoạch, sau đó giới thiệu nhân sự BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư để Đại hội XIII tiến hành bầu cử. Mỗi ứng viên, ở từng thời điểm được lựa chọn lúc ấy, đều được ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII dự kiến sẽ nắm giữ các vị trí, chức danh cụ thể. Theo đó, một người có thể được quy hoạch tối đa vào ba vị trí, chức danh và mỗi chức danh có nhiều ứng viên. Việc bầu BCH Trung ương ở Đại hội XIII và bầu Bộ Chính trị, Ban bí thư ở Hội nghị thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII bám sát phương hướng có tính chất chỉ đạo ấy. Trong đó, đáng chú ý là khi chốt danh sách bầu Bộ Chính trị khóa XIII, Đoàn chủ tịch Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII đã giới thiệu rõ các ứng viên Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ dự kiến cho bốn chức danh chủ chốt Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH. |