vĐồng tin tức tài chính 365

Mặt bằng cho thuê chưa hết cơn lao đao

2021-03-09 06:15

Sau dịp tết Nguyên đán, tình hình kinh doanh bán lẻ không mấy khả quan. Nhiều mặt bằng nhà phố tiếp tục treo bảng cho thuê, giá giảm hẳn so với trước đó nhưng vẫn ế ẩm.

Mặt bằng cho thuê chưa hết cơn lao đao - ảnh 1
Dãy mặt bằng treo biển tìm khách thuê. Ảnh: QUANG HUY

Đất vàng cũng giảm giá

Nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê ở các tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM, thậm chí ở những vị trí đất vàng đua nhau rao cho thuê với giá mềm hơn nhưng vẫn ít người hỏi.

Dọc tuyến phố ăn uống Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) rất nhiều mặt bằng còn bỏ trống, treo bảng nhiều tháng liền. Ông Nghĩa, chủ một căn nhà hai mặt tiền trên đường này, cho biết hiện nay giá cho thuê giảm 30%, từ 90 triệu đồng/tháng xuống chỉ còn 60 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có khách.

“Tôi đang cân nhắc tình hình, chắc phải giảm giá cho thuê thêm chút nữa để hỗ trợ cùng người thuê trong thời gian đầu” - ông Nghĩa nói.

Đi dọc những tuyến đường đông đúc kéo dài từ quận 1, quận 3 đến quận Tân Bình như Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ… cũng dễ dàng thấy những mặt bằng đất vàng trước kia nay đóng cửa im ỉm. Ông Trí Đức (quận 1) chia sẻ nhiều mặt bằng trước đây có tiền cũng không thuê được thì nay đóng cửa hàng loạt. Dù là mặt tiền con phố sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão... giảm giá đến 30% vẫn khó cho thuê.

“Kinh doanh hiện nay quá rủi ro, khách du lịch quốc tế thì không có, khách trong nước giảm, tiền mặt bằng quá lớn nên cố gắng lắm khách thuê vẫn lỗ” - ông Đức lý giải.

Trong tình hình đó, một số chủ cho thuê đã phải giảm giá tới mức không thể giảm hơn. Ông Mạnh Duy (quận 3) có nguồn thu chính từ mặt bằng cho thuê trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Hiện mặt bằng này ông đã giảm 20 triệu đồng, từ 85 triệu đồng/tháng còn 65 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khách thuê muốn yêu cầu ông giảm xuống 40 triệu đồng/tháng, nếu không sẽ thanh lý hợp đồng.

“Đúng là dịch thì kinh doanh khó hơn nhưng chủ nhà cũng rất khó khăn. Tôi không thể giảm thêm, khách không thuê nữa thì đành chịu vậy” - ông Duy chia sẻ.

Việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho khách vẫn được duy trì tại các trung tâm thương mại và cả nhà phố. Cụ thể, mức giảm phổ biến 10%-30% trên giá thuê trong ngắn hạn. Tuy vậy, theo báo cáo của Savills Việt Nam, khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch.

Cần thêm thời gian để phục hồi

Nhiều chuyên gia dự báo năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn đối với lĩnh vực cho thuê mặt bằng. Một số ý kiến còn lo ngại nhiều thương hiệu có khả năng rơi vào phá sản. Trừ một số ngành có thể tận dụng phát triển trong dịch vụ như về chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, sản phẩm thiết yếu, dịch vụ giao hàng siêu thị… còn lại khá căng thẳng để duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, cho biết nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện đã tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường. Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng hạn chế mở rộng thị trường trong giai đoạn này. Điều này có thể ảnh hưởng đến công suất cho thuê mặt bằng trong thời gian tới.

Ngoài ra, khách thuê thuộc ngành hàng ăn uống, thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có tài chính, kế hoạch kinh doanh tốt giảm được chi phí thuê mặt bằng. Đặc biệt, thời điểm này là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận được những vị trí vàng mong muốn trước đây với giá dễ chịu hơn.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá năm 2021 vẫn là năm khó khăn đối với phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn. Không chỉ phải giảm giá thuê mà nhiều chủ bất động sản (BĐS) sử dụng đòn bẩy tài chính cao, không chịu nổi gánh nặng nợ dẫn đến phải chuyển nhượng.

“Trong cơ chế thị trường, khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác. Các hoạt động mua bán, sáp nhập vì thế sẽ trở nên sôi động dù thời điểm này đó vẫn là những cơn sóng ngầm” - TS Khương phân tích.

Ông Khương nhận định phải mất thêm một khoảng thời gian nữa thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi. Trong giai đoạn kinh doanh hiện nay, cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê phải bắt tay, đồng hành cùng nhau. Chủ nhà cho thuê cũng nên tìm hiểu về những ngành nghề, lĩnh vực ít bị ảnh hưởng, phù hợp với vị trí, diện tích mặt bằng mình có để có khách thuê lâu dài, hạn chế những rủi ro mà dịch bệnh gây ra.

Khả năng hồi phục của phân khúc cho thuê

Theo dự báo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2021 khả năng phục hồi kinh tế sẽ tăng. Nhu cầu sử dụng văn phòng hạng B, C từ các doanh nghiệp mới dẫn đến thị trường cho thuê văn phòng sẽ có dấu hiệu phục hồi một phần.

Văn phòng hạng A sẽ tiếp tục ổn định. Năm 2021 sẽ rất ít dự án văn phòng hạng A mới được cung cấp cho thị trường TP.HCM và Hà Nội. Giá thuê cũng không có biến động tăng.

Hoạt động cho thuê mặt bằng để bán hàng sẽ phục hồi. Dự báo tăng trưởng năm 2021 khoảng 40% so với năm 2020. Hội Môi giới BĐS Việt Nam khuyến cáo các chủ mặt bằng không nên tăng giá thuê, thậm chí nên có hỗ trợ để phục hồi bền vững sức khỏe của các doanh nghiệp thương mại. 


Xem thêm: lmth.551179-oad-oal-noc-teh-auhc-euht-ohc-gnab-tam/nas-gnod-tab/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mặt bằng cho thuê chưa hết cơn lao đao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools