vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ Ethanol Phú Thọ: Đấu thầu công khai thành chỉ định thầu

2021-03-09 08:37

Chiều 8-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ. Phiên tòa bước vào phần xét hỏi.

Chỉ định thầu dù không đủ năng lực

Trước khi bắt đầu, HĐXX yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp cách ly bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN).

Tháng 9-2008, Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05 xây dựng nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu.

Theo bị cáo Đỗ Văn Quang, cựu trưởng Phòng kinh tế kế hoạch Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), sau khi nhận được hồ sơ mời sơ tuyển của PVB, bị cáo được chỉ đạo lập hồ sơ để tham gia thầu.

Thời điểm này, bị cáo biết chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tham dự phải có kinh nghiệm từng thực hiện dự án ethanol nhưng thực tế PVC chưa từng thực hiện dự án nào. Do vậy, bị cáo đề xuất lãnh đạo PVC phải mời đối tác cùng tham gia thì mới đạt yêu cầu được.

Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) chỉ đạo cấp dưới gửi văn bản cho PVB đề nghị điều chỉnh một số tiêu chí trong hồ sơ yêu cầu cho phù hợp (nhưng không được PVB phản hồi) và xin gia hạn thêm thời gian để tìm đối tác. Kết quả, PVC thành lập liên danh với cụm đối tác là Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển.

Tuy nhiên, đến khi đóng hồ sơ, cả sáu nhà thầu tham gia ứng tuyển đều chưa đạt 100% tiêu chí theo quy định. Trong đó, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đáp ứng đủ về năng lực kỹ thuật, tư vấn, xây dựng, thậm chí báo cáo tài chính cho thấy PVC thua lỗ.

Vụ Ethanol Phú Thọ: Đấu thầu công khai thành chỉ định thầu - ảnh 1
Các bị cáo tại tòa ngày 8-3. Ảnh: TP

Cũng theo cáo trạng, dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực ethanol nhưng ngay từ khi PVB chưa triển khai lựa chọn nhà thầu, ông Đinh La Thăng với vai trò chủ tịch HĐQT PVN và trưởng ban chỉ đạo dự án đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng giao thầu cho PVC.

Dựa trên chỉ đạo này, Trịnh Xuân Thanh yêu cầu thuộc cấp gửi văn bản đề nghị PVN và PVB xin được chỉ định thầu. Về phía mình, ông Thăng bút phê chỉ đạo cấp dưới giải quyết theo chủ trương chung của tập đoàn. Kết quả, thực hiện chỉ đạo của ông Thăng, PVB không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Tháng 9-2009, liên danh nhà thầu bắt đầu triển khai dự án, đến tháng 3-2013 thì PVC đơn phương dừng thi công Nhà máy ethanol Phú Thọ, dự án chưa có hạng mục nào hoàn thành, bàn giao theo cam kết.

Cơ quan tố tụng xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 543 tỉ đồng. Đây là số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và còn phải trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án, do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực gây ra.

Sức ép chỉ đạo từ lãnh đạo tập đoàn

Trả lời trước tòa, nhiều bị cáo cho biết ban đầu dự án Ethanol Phú Thọ được đấu thầu công khai nhưng dưới chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và một số lãnh đạo PVN, dự án cuối cùng được chỉ định thầu cho liên danh của PVC.

Điển hình, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu tổng giám đốc PVB, khai rằng ngay từ đầu PVB đã muốn dự án phải đạt chất lượng tốt bởi đây là dự án mang tính chất trọng điểm, sử dụng công nghệ mới.

Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, trong các đơn vị tham gia có liên danh của PVC. Tuy nhiên, kết quả chấm thầu của đơn vị tư vấn cho thấy chưa có nhà thầu nào đạt được toàn bộ chỉ tiêu mà hồ sơ yêu cầu đưa ra.

Trong khoảng thời gian này, PVC có gửi văn bản đề nghị hạ thấp một số tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu nhưng PVB từ chối. “Bị cáo không nhớ có văn bản từ chối hay không nhưng chắc chắn là không xử lý vấn đề này” - ông Hà khai.

Cũng theo cựu tổng giám đốc PVB, ở giai đoạn đấu thầu 2, bị cáo nhận được văn bản chỉ đạo từ PVN, do các ông Vũ Quang Nam (cựu phó tổng giám đốc PVN), Đinh La Thăng và bà Trần Thị Bình (cựu phó tổng giám đốc PVN) ký, về việc định hướng chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tất cả chỉ đạo đều thể hiện bằng văn bản, công khai.

Lúc đầu PVB vẫn song song tổ chức đấu thầu công khai nhưng lãnh đạo PVN chỉ đạo rất sát sao, mà trực tiếp là ông Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu cho liên danh của PVC. “Bị cáo nghĩ rằng việc chỉ định thầu đã được tập đoàn quyết định rồi, đồng thời lại được tiếp cận nghị quyết của tập đoàn về việc ưu tiên cho PVC nên thấy đó là trách nhiệm của mình” - ông nói.

Một bị cáo khác là Lê Thành Thái, cựu trưởng Phòng kinh doanh PVB, thành viên tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu. Ông Thái khai được bị cáo Vũ Thanh Hà định hướng phải chỉ định thầu cho liên danh của PVC, việc này là “không thể thay đổi” và phải hoàn thành sớm.

HĐXX đặt câu hỏi: Việc thẩm định hồ sơ yêu cầu có thiếu sót gì không? Bị cáo trả lời có nghe nói việc liên danh nhà thầu phải từng hoàn thành dự án 100 triệu lít/năm. “Nhưng vì đã có chỉ đạo từ PVN rồi nên chúng tôi không thể đặt vấn đề liên danh không đủ năng lực vì chưa thực hiện dự án nào 100 triệu lít/năm, như vậy chống lại chủ trương của tập đoàn cũng như ban chỉ đạo nhiên liệu sinh học” - bị cáo này trình bày.

HĐXX tiếp tục truy vấn việc bị cáo “bỏ ra ngoài” tiêu chí trên khi thẩm định năng lực liên danh của PVC. Lúc này bị cáo nói “nếu quá trình thẩm định mà tôi nêu yêu cầu bổ sung thì đồng nghĩa tôi nghỉ việc luôn”, đồng thời thừa nhận không đưa tiêu chí đó vào vì đã được chỉ đạo thẩm định để liên danh của PVC đạt yêu cầu.

Hôm nay (9-3), tòa tiếp tục làm việc.

Ông Thăng: “Tôi không biết, cũng không có trách nhiệm phải biết”

Cuối giờ chiều, bị cáo Đinh La Thăng được đưa vào phòng xét xử để tham gia phần xét hỏi.

Trước tòa, ông Thăng nói không có bất cứ chỉ đạo nào về việc thực hiện gói thầu TK05, vì đó không phải là trách nhiệm của mình mà là của chủ đầu tư. Với tư cách trưởng ban chỉ đạo, bị cáo có chủ trì một số cuộc họp của ban chỉ đạo.

Tại các cuộc họp, bị cáo có đôn đốc về mặt tiến độ, đưa ra các mốc thời gian cụ thể mà dự án phải hoàn thành, còn các nội dung khác theo quy định thì chủ đầu tư (PVB) phải chịu trách nhiệm.

Cũng theo ông Thăng, các thành viên tập đoàn chỉ giới thiệu PVC tham gia dự án chứ không giới thiệu liên danh của công ty này. “Theo quy chế, ban chỉ đạo không làm thay chủ đầu tư, ban chỉ đạo chỉ đôn đốc, đưa ra mốc thời gian phải hoàn thành, còn mọi việc thì chủ đầu tư toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm” - ông Thăng nói.

Bị cáo này nhiều lần khẳng định trách nhiệm đánh giá năng lực, lựa chọn nhà thầu như thế nào là thuộc chủ đầu tư, bị cáo không biết và không có trách nhiệm phải biết năng lực của nhà thầu… 

Xem thêm: lmth.151179-uaht-hnid-ihc-hnaht-iahk-gnoc-uaht-uad-oht-uhp-lonahte-uv/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ Ethanol Phú Thọ: Đấu thầu công khai thành chỉ định thầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools