Kh ỉ kéo từng đàn chực chờ con người sơ hở để vào phá phách, lấy đồ - Ảnh: B.D.
13h trưa 24-2, nhóm người dân đang ngồi trước một homestay ăn uống thì bỗng "xoảng, xoảng..." - tiếng động lớn phát ra sau gian bếp và cảnh tượng như bãi chiến trường: nước mắm đổ tung tóe, nồi cơm đang găm điện bị giật nắp nằm treo lơ lửng trên tường, tủ lạnh bị mở toang, những bọc trái cây bị lấy đi...
Khỉ "thù" người?
Khu vực bị "cơn đau đầu" với sự quậy phá của lũ khỉ núi nhiều nhất ở Cù Lao Chàm là các hộ dân ở tổ 4, xóm Mới. Trưa 24-2, các hộ dân xóm Mới dọn cơm ra hiên nhà ngồi ăn thì phải vội vã dọn vào, những cánh cửa được đóng kín. Chỉ vài chục giây, đàn khỉ cả chục con lấp ló ở các ô cửa sổ.
"Cái lỗ bé bằng nắm tay này mình cứ nghĩ chỉ có con chuột rúc được vô, tưởng rứa mà tụi hắn (khỉ) luồn ngon ơ. Mình quay lưng đi là đồ đạc, bánh kẹo, thậm chí quần áo bị lôi ra hết" - bà Phạm Thị Ngọc Huệ, 63 tuổi, nói như bất lực.
Căn nhà cấp 4 kèm gác lửng của bà Huệ cùng chồng (ông Phạm Hò) rộng chừng 80m2, mặt tiền hướng bãi biển. Ông Hò mở gian phía sau làm bếp và phơi giặt quần áo nhưng nay chịu bao nỗi phiền toái khi từng đàn khỉ phá cửa chui vào trộm đồ đạc.
Chịu hết nổi, ông Hò phải mua lưới thép, loại lỗ nhỏ li ti như mắt lưới đánh cá, về căng tất cả các lối ra vào rồi dùng đinh đóng chặt, bịt kín.
Vậy nhưng đám khỉ cũng không buông tha. Ông Hò kể rằng hôm tết, dây kết nối mạng Internet và ăngten tivi đang hoạt động bỗng mất tín hiệu. Thợ tới tìm miết không ra lỗi, khi leo lên mái tôn thì thấy toàn bộ dây nhựa bị cắn đứt, giật tung.
"Lúc đó tui sực nhớ ngày hôm trước mình có gõ xoong nồi, rượt đuổi con khỉ đầu đàn khi nó chui vô lục tủ lạnh. Mình chỉ hù mà "hắn" thù rứa đó!" - ông Hò nói.
Dựng "thành lũy" ngăn khỉ
Ban đầu, thấy "con cháu Tề Thiên" dạn dĩ với con người thì ngỡ vui, nay nỗi ám ảnh của bà con trên đảo Cù Lao Chàm không phải là chuyện thiếu nước sạch mà đến từ khỉ. Từ đồn biên phòng, trụ sở UBND xã đảo, trường học cho tới các nhà dân đâu đâu cũng thấy từng đàn khỉ tràn xuống phá phách, tìm thức ăn.
Tình trạng căng thẳng tới mức người dân nhiều lần lên xã kêu chính quyền tìm giải pháp ngăn chặn nhưng chuyện cư xử ra sao với đám khỉ không hề đơn giản.
Nhiều người dân ở đảo Cù Lao Chàm cho biết từ trước tới nay khỉ sống chung với con người và ít khi vào nhà phá đồ đạc. Tuy nhiên hai, ba năm trở lại đây thì chúng kéo xuống từng đàn quậy phá, gây bao phiền toái. Một số người cho rằng có thể việc ủi rừng mở đường tuần tra quanh đảo đã khiến nguồn thức ăn của khỉ bị ít đi.
"Hồi xưa sau nhà tui rừng cây lòn bon nhiều lắm. Khỉ trên đỉnh núi xuống đó hái trái ăn rồi kéo nhau đi, chứ không bao giờ vào nhà quấy phá như bây giờ" - ông Lê Ngọc Quang, ở xóm Mới, nói.
Ở Cù Lao Chàm, dân ngán khỉ tới nỗi cái tên "khỉ" cũng được coi là "phạm húy", người dân mỗi khi nói tới khỉ đều nói tránh qua từ "ông". Chị Lê Thị Bích Công, một người dân xã đảo, kể hôm trong tết có người hàng xóm găm điện nồi cơm rồi xách lưới ra biển kiếm cá.
Tới giờ, đồ ăn được dọn sẵn lên mâm nhưng nồi cơm thì trống rỗng, đáy nồi chỉ còn vài hạt vương vãi. Lúc này, người chủ mới nhận ra lỗ thông gió phía sau căn nhà không được đóng đã tạo điều kiện cho khỉ chui vào khoắng sạch nồi cơm.
"Lũ khỉ khôn chẳng kém người, chuyện đồ đạc bị trộm là rất bình thường. Còn cơm trong nồi đang găm điện, còn nóng thì chúng tự rút ổ điện ra, mở nắp đợi nguội rồi mới lấy" - chị Công nói.
Một cán bộ ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói rằng nỗi sợ hãi lũ khỉ giờ đây đối với người dân trên đảo không khác gì sợ trộm cướp. Nhiều vụ khỉ tấn công trẻ nhỏ để cướp đồ ăn xảy ra khiến hầu như không một gia đình nào dám để trẻ nhỏ đứng một mình, khi cho trẻ ăn thì người lớn cũng đứng "giám hộ".
"Mình ngồi trong nhà rứa, chứ cho cháu cái xúc xích, cháu nó hiếu động chạy ra cửa cái là khỉ nhảy xuống giật bay rồi tót lên mái nhà ngồi ăn. Thấy cháu hoảng loạn mà thương luôn" - bà Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Giữa, nói.
Mật độ khỉ cao gấp nhiều lần trung bình
Nhà người dân trên đảo Cù Lao Chàm phải dùng lưới bịt cửa và các lỗ thông gió để ngăn khỉ vào phá phách - Ảnh B.D.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, loài khỉ hiện diện trên Cù Lao Chàm là khỉ vàng, có khoảng 8 đàn với ước lượng hàng trăm con. Mật độ phân bố khỉ vàng trên đảo cũng được coi là cao gấp nhiều lần các cánh rừng ở miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Vũ - phó giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho rằng việc khỉ xuất hiện dày đặc và gia tăng quậy phá ở các khu dân cư trên đảo chưa hẳn là do số lượng đàn tăng lên.
"Việc khỉ xuất hiện nhiều ở Cù Lao Chàm có thể do tác động từ quá trình làm đường, nổ mìn, xây dựng... khiến không gian tìm kiếm thức ăn bị thu hẹp, việc khách du lịch cho khỉ ăn cũng khiến chúng đến dày hơn" - ông Vũ nói.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Greenviet) Trần Hữu Vỹ cho rằng nguồn thức ăn khan hiếm, cộng với việc nhiều thực phẩm từ nơi sinh sống của con người khiến khỉ ngày càng dạn dĩ hơn.
"Chúng ta phải cắt đứt nguồn thức ăn thụ động của khỉ bằng cách không cho khỉ trái cây, đồ ăn; nhà cửa rào chắn kỹ càng, thùng rác che đậy cẩn thận... Lâu dần khi thấy không có đồ ăn thì khỉ sẽ không xuống và tự tìm kiếm thức ăn theo bản năng tự nhiên" - ông Vỹ nói.
Những khóm thờ kỳ dị
Những gian thờ được lắp thêm cửa chốt chặt để ngăn khỉ vào trộm bánh trái - Ảnh B.D.
Để ngăn khỉ vào nhà quậy phá, người dân không chỉ mua thép lưới về rào kín những ngôi nhà, trường học, đình miếu, mà ở góc thờ cúng trước cửa mỗi nhà đều có những gian thờ cúng kỳ lạ. Ngoài việc căng lưới thép, các khóm thờ cũng được làm hai cánh cửa, có chốt khóa để ngăn khỉ trộm đồ cúng.
"Mình thắp nhang mà ngồi canh khỉ thì cũng mệt, làm cái cửa rồi khóa trái lại thì mới chắc cú" - ông Võ Quý Anh, người dân đảo, nói.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương, chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết người dân kêu ca việc bị khỉ quấy nhiễu rất nhiều nhưng xã cũng chỉ biết vận động bà con tự rào chắn, bảo vệ tài sản.
"Sắp tới Quảng Nam sẽ thành lập khu bảo tồn thiên nhiên trên đảo, xã cũng đã kiến nghị với ban quản lý Khu bảo tồn biển cần xây dựng các khu vực phân bố tách biệt giữa nơi sinh sống của khỉ với người, nơi đâu thì được làm du lịch, để hạn chế xâm lấn môi trường sống" - bà Hương nói.
TTO - "Thả rùa non về biển chỉ là một phần, quan trọng nhất của dự án là chúng tôi muốn thấy rùa quay trở về đảo để đẻ trứng và sinh nở rùa non trong an toàn..."
Xem thêm: mth.89304259090301202-mahc-oal-uc-oan-iad-neiht-et-uahc-noc/nv.ertiout