Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cuộc đối đầu của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga có thể mang lại kết quả bất ngờ và không dễ chịu cho Mỹ.
Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc được lợi
Ông Kalin lấy ví dụ gần đây về việc Mỹ chặn xuất khẩu động cơ máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để nước này sản xuất trực thăng tấn công ATAK bán cho Pakistan 30 chiếc.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Denis Belyaev/Russian Defense Ministry/TASS
Ông Kalin cho rằng Washington ra quyết định này liên quan tới thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Ông Kalin chỉ rõ giờ đây, hợp đồng của Pakistan mua trực thăng tấn công có thể sẽ được trao cho Trung Quốc thay vì Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc trở thành người chơi nổi bật trên thị trường quân sự toàn cầu. Cùng lúc, các chính quyền trước đây và hiện nay của Mỹ đều coi Trung Quốc là một trong những mối đe dọa tiềm tàng chính cho Mỹ. Do đó, hợp đồng mua trực thăng của Pakistan khả năng được trao cho Trung Quốc là một tổn thất của Washington do sai lầm của nước này, ông Kalin giải thích.
Cạnh đó, ông Kalin lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể hợp tác theo cách rất mang tính xây dựng, hỗ trợ nhau và cùng nhau giải quyết những vấn đề chung. Ông Kalin nhấn mạnh tới vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và vị thế của nước này trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song nói thêm hợp tác với Washington sẽ chỉ có thể thực hiện nếu nước này tôn trọng những lợi ích của Ankara, bao gồm an ninh quốc gia.
Mỹ cấm cản Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 không phải vì vấn đề kỹ thuật mà vì vấn đề chính trị
Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhớ lại chuyện Mỹ ban đầu tuyên bố mối lo ngại S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể phơi bày những điểm yếu của tiêm kích tàng hình F-35 cho Nga là nguyên nhân chính khiến Washington cấm cản Ankara mua S-400. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đề nghị giải quyết những lo ngại này với phía Mỹ thông qua tham vấn, song đề xuất vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ông Kalin tiết lộ rằng chỉ ngay sau đó, Washington thừa nhận vấn đề của họ với việc Ankara mua S-400 không phải vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính trị.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Kalin nói rằng ngay cả sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thảo luận vấn đề này với phía Mỹ đề tìm giải pháp đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, Mỹ đã chọn giữ lập trường của mình và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ loại bỏ các hệ thống của Nga. Cách tiếp cận như vậy sẽ không đem lại kết quả mà Mỹ mong muốn mà sẽ hoàn toàn ngược lại, ông Kalin nói.
Ông Kalin nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có những bất đồng với Nga trong quá trình đàm phán mua S-400, song Moscow đã tổ chức tham vấn với Ankara để giải quyết những vấn đề này. Ông Kalin tự hỏi điều gì đang ngăn Mỹ có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề S-400.
Đến nay, thay vì đối thoại, Mỹ đã chọn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì quyết định mua S-400. Đầu tiên, Mỹ chặn cung cấp tiêm kích F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua trước đó. Tiếp đến, năm 2020, Mỹ bổ sung lệnh trừng phạt vào quan chức quốc phòng và ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, ép nước này từ bỏ S-400.
Tuy nhiên, Thổ thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần nhấn mạnh việc mua S-400 là lựa chọn chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan khẳng định Ankara sẽ không bao giờ từ bỏ hệ thống chỉ vì Mỹ yêu cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ xem xét mua trung đoàn S-400 thứ hai từ Nga
Hôm 3-3, người đứng đầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara đang xem xét mua trung đoàn S-400 thứ hai từ Nga.
Một vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400. Ảnh: Ministry of Defence of the Russian Federatio/The Week
“Công việc liên quan đến trung đoàn S-400 thứ hai tiếp tục” – ông Demir trả lời phỏng vấn đài NTV.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm việc để củng cố các lực lượng vũ trang của nước này bằng cách phát triển hệ thống phòng không của chính nước này, ông Demir cho biết thêm.
“Năm nay, việc bàn giao hệ thống Sungur và Hisar A+ sẽ bắt đầu và việc phát triển hệ thống phòng không nội địa Siper tiếp tục” – ông nói.
Hôm 11-1, ông Demir cho biết hệ thống S-400 được bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng kích hoạt.
Ông Demir nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nhận thấy bất kỳ hậu quả nào từ lệnh trừng phạt mà Mỹ áp vào nước này vì thương vụ S-400.
“Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ ảnh hưởng trực tiếp nào từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Chúng tôi có thể sẽ nhìn thấy những ảnh hưởng không mong muốn từ việc Mỹ áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nhưng hiện tại không có hậu quả rõ ràng và chúng tôi sẽ chờ xem” – ông Demir chỉ ra.