Dự kiến giá điện mặt trời áp mái sẽ giảm mạnh so với mức giá hiện nay - Ảnh: VĂN THỎA
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cho biết đang xây dựng dự thảo về cơ chế giá điện mặt trời áp mái, hiện đã cơ bản hoàn thiện sau nhiều vòng lấy ý kiến để tới đây trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, ngoài việc vẫn duy trì giá cố định với mức giá dự kiến giảm mạnh, chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án, dự thảo cũng đưa ra nhiều điểm mới để phát triển điện mặt trời áp mái.
Mục đích để phát triển đúng hướng, tức khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng nhà nhà "ào ào" lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.
Cụ thể, mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây.
Dự thảo cũng quy định tỉ lệ tự dùng nhất định, bởi điện mặt trời trên mái nhà khuyến khích tự dùng tại chỗ để giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối, thay vì đưa hết điện lên lưới. Về mặt kỹ thuật cũng khuyến khích các đơn vị lắp đặt hệ thống điều khiển scada để ngành điện điều khiển công suất phát.
Dự kiến dự thảo được trình Chính phủ và sớm ban hành trong tháng 3, nhằm thay thế một phần quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vốn đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020.
Với quyết định này, giá mua điện mặt trời mái nhà được áp ở mức 8,38 cent/kWh (1.943 đồng/kWh), áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc dự thảo đưa ra mức giá giảm khá sâu so với giá FIT hiện nay, ông Dũng cho rằng mức giá được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo đó, công nghệ phát triển giúp giá thiết bị thời gian qua giảm nhanh, hiệu suất tấm pin cao hơn nhiều và cho nhiều điện hơn, nên mức giá này được tư vấn đánh giá vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.
"Giá này rẻ hơn nhiều so với giá mua điện EVN, nên không cần khuyến khích người dân vẫn lựa chọn" - ông Dũng nói.
Liên quan đến cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời, ông Dũng cho hay Bộ Công thương cũng đang sớm hoàn thiện dự thảo cơ chế, làm việc các cấp chuyên gia, bộ ngành để lấy ý kiến.
Theo đó, dự thảo sẽ tập trung xây dựng cơ chế đấu thầu cho tất cả các dự án điện mặt trời nổi, mặt trời mặt đất, nhưng do đây là cơ chế mới, khó thực hiện nên cần thời gian để hoàn thiện và dự kiến cũng sớm ban hành trong nửa đầu năm nay.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết ngày 31-12-2020, có hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp, tổng sản lượng phát lên lưới từ điện mặt trời lũy kế đến nay đạt hơn 1,15 tỉ kWh.
Tính chung, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt tới 16.500 MW, chiếm 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của toàn hệ thống. Sản lượng điện phát từ điện mặt trời lên lưới trong năm 2020 đạt 10,6 tỉ kWh, riêng điện mặt trời mái nhà 1,16 tỉ kWh, chiếm 4,3% tổng sản lượng huy động các nguồn điện.
TTO - Đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời (ĐMT), gần đây lại ít được 'lên lưới' khiến nhiều nhà đầu tư đồng loạt kêu trời. Có nhiều giải pháp để 'cứu' vốn đầu tư xã hội khỏi lãng phí nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao.
Xem thêm: mth.89845952190301202-iort-tam-neid-uaht-uad-gnud-pa-tif-aig-ob-hnam-maig-iam-pa-neid-aig/nv.ertiout