Bị cáo Lê Đình Công nói lời sau cùng trước tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 9-3, phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án "giết người", "chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội kết thúc phần tranh tụng. Trước khi HĐXX tuyên án, các bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa.
Là người đầu tiên trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Lê Đình Công cho rằng mình không bàn bạc, giao nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Công cũng phủ nhận không tham gia ba cuộc họp ở nhà bố đẻ là ông Lê Đình Kình, không chống đối lực lượng công an. Công mong được hưởng khoan hồng, nhận mức án tốt nhất.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu cho hay năm nay đã 78 tuổi, hai lần bị thương nên sức khỏe rất yếu. Ông Hiểu cho rằng cái sai của mình là biết các bị cáo khác phạm tội nhưng không ngăn cản, nên mong tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với con cháu.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến mong HĐXX xem xét lại các tình tiết mà mình không làm để chuyển đổi tội danh, giảm nhẹ hình phạt cho mình, sớm trở về với gia đình để làm người hoàn lương. Bị cáo Tiến cũng gửi lời xin lỗi tới gia đình ba chiến sĩ công an hi sinh.
"Dù không trực tiếp gây ra cái chết nhưng bị cáo rất ân hận vì mình có mặt tại hiện trường mà không thể ngăn cản hành vi của các bị cáo khác, khiến các chiến sĩ công an hi sinh", bị cáo Tiến nói.
Bị cáo Lê Đình Doanh gửi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ hi sinh, mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Là bị cáo nữ duy nhất, Bùi Thị Nối khi trình bày nói nhiều vấn đề không liên quan nên liên tục bị chủ tọa nhắc nhở. Bà Nối cho rằng "bị cáo ăn chay, không làm gì đáng tiếc, nên nhờ luật sư giúp đỡ".
Đại diện VKS trình bày quan điểm đối đáp - Ảnh: NAM ANH
Trước đó, tại phần tranh luận, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vụ án xảy ra ở địa bàn Hà Nội nhưng Công an thành phố Hà Nội lại là đơn vị điều tra nên sẽ không khách quan. Ngoài ra, việc các lực lượng công an tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm có phải là đang thi hành công vụ không cũng chưa được làm rõ. Luật sư đề nghị công khai kế hoạch bảo vệ của Công an Hà Nội.
Đối đáp các vấn đề trên, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, vụ án xảy ra ở Hà Nội nên Công an Hà Nội điều tra là đúng thẩm quyền. Hơn nữa, từ khi xảy ra vụ án đã có sự kiểm sát của Viện KSND Hà Nội và các luật sư tham gia nên “không thể nói không khách quan”.
Về việc có phải công an về Đồng Tâm thi hành nhiệm vụ hay không, đại diện VKS cho rằng đây là địa bàn phức tạp từ lâu. Trước thời điểm xảy ra vụ án, Công an Hà Nội đã có kế hoạch đảm bảo mục tiêu, an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm.
Khi công an về đến cổng thôn Hoành, các bị cáo với sự chuẩn bị từ trước đã đứng trên nóc nhà ông Kình ném lựu đạn, bom xăng chống đối lực lượng cảnh sát. VKS khẳng định lực lượng chức năng trong trường hợp này đang thi hành nhiệm vụ, nên việc chống đối ở đây là chống người thi hành công vụ.
Đại diện VKS cho hay bị cáo Công, Hiểu là người tổ chức cuộc họp lôi kéo người dân, phân công nhiệm vụ cho mọi người để chống đối. Công quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội tuyên bố chống đối lực lượng chức năng, “giết từ 300-500 người”.
Công và Hiểu còn nhờ Tiến mua lựu đạn để chống đối cảnh sát. Việc không nổ là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo, bởi vậy cũng không thể nói Tiến biết là lựu đạn giả nên không liên quan. Ngoài ra còn có các chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác khẳng định Công và Hiểu là người tổ chức, tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cho đồng phạm.
TTO - Hai bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức (đều là con trai ông Lê Đình Kình) bị tòa án xác định có vai trò cầm đầu, tổ chức thực hiện hành vi đổ xăng đốt làm chết 3 chiến sĩ công an nên tuyên phạt mức án cao nhất: tử hình.