vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt về Việt Nam bất chấp nỗi lo COVID-19?

2021-03-09 18:46

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị lần 2 yêu cầu siết chặt hoạt động nhập khẩu, buôn bán động vật hoang dã nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19, thế nhưng Tổng cục Lâm nghiệp vẫn chỉ đạo cơ quan quản lý CITES xem xét cho phép một số doanh nghiệp được nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Đây vốn là giống cá nằm trong danh mục động vật hoang dã.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19, ngay từ tháng 1.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg trong đó có yêu cầu “cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam”.

Đến đến ngày 23.7.2020, nhận định tình hình dịch COVID-19 dù đã có phần thuyên giảm song vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg với yêu cầu chỉ được phép nhập khẩu các loài động vật hoang dã phục vụ sản xuất (con giống) và chế biến làm thực phẩm.

Với giống cá tầm Xiberia (vốn được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam trong thời gian qua), theo quy định hiện hành của pháp luật về lâm nghiệp, thuỷ sản và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), được coi là động vật hoang dã, thuộc phụ lục II.

Chính vì thế kể từ thời điểm Chỉ thị số 29/CT-TTg được ban hành, việc nhập khẩu cá tầm Xiberia từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ buộc phải có giấy phép nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp và chỉ được nhập vì 2 mục đích là phục vụ sản xuất hoặc để chế biến làm thực phẩm.

Một xe tải chở hơn 10 tấn cá tầm từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Long Nguyễn.
Một xe tải chở hơn 10 tấn cá tầm từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Long Nguyễn.

Tuy vậy theo thống kê của cơ quan quản lý CITES Việt Nam, trong thời gian từ ngày 23.7.2020 đến cuối tháng 2.2021 các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng hơn 3.000 tấn cá tầm Trung Quốc về Việt Nam.

Đây là con số gây nhiều bất ngờ bởi theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm 2018 và 2019 chỉ lần lượt là 1.164 tấn và 1.849 tấn.

Như vậy, việc các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt nam sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ con sống với số lượng lớn hiện nay là trái với tinh thần của Chỉ thị số 29/CT-TTg và mục đích nhập khẩu trên giấy phép CITES nhập khẩu.

Trước thực tế trên, thông tin từ CITES Việt Nam cho biết, cơ quan này đã đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm Trung Quốc.

Ngoài ra, CITES Việt Nam cũng yêu cầu hậu kiểm cá tầm theo Điều 29 Nghị định 06 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp...

Cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục nhập khẩu được bán công khai tại chợ đầu mối Yên Sở, Hà Nội. Ảnh: Long Nguyễn.
Cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục nhập khẩu được bán công khai tại chợ đầu mối Yên Sở, Hà Nội. Ảnh: Long Nguyễn.

Cũng theo thông tin từ CITES Việt Nam, điều bất ngờ là ngày 20.8.2020, Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản thông báo chỉ đạo của Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xem xét, cấp giấy phép CITES cho Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng, vốn là 2 "ông lớn" trong lĩnh vực.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Trị, nếu 2 công ty kể trên đáp ứng được một số yêu cầu cụ thể, thì Cơ quan quản lý CITES cần sớm cấp phép trở lại.

Nhận thấy chỉ đạo của Tổng cục trưởng Lâm nghiệp vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã có văn bản bảo lưu quan điểm không đồng ý cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm.

Mặc dù vậy, theo thông tin phóng viên nắm được, trong thời gian Giám đốc nghỉ phép, Phó Giám đốc Cơ quan này đã ký nhiều giấy phép CITES cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có văn bản gửi các Bộ Tài chính, Công an, Công thương, NN&PTNT, Quốc phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đối với việc nhập khẩu và kinh doanh cá tầm.

Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 đặc biệt lưu ý các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TPHCM để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm. Lưu ý các vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...

Xem thêm: odl.182788-91-divoc-ol-ion-pahc-tab-man-teiv-ev-ta-o-nav-couq-gnurt-mat-ac-oas-iv/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt về Việt Nam bất chấp nỗi lo COVID-19?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools