Quý I hàng năm thường là thời điểm có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao hơn các thời điểm khác trong năm. Trong 2 tháng đầu năm nay trùng với dịp Tết Nguyên đán, lại bị tác động tiêu cực của dịch bệnh nên số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lại càng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Tình trạng này đã tác động không tốt đến sự phát triển của nền kinh tế và đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu một cách thấu đáo để có chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm hạn chế lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng cao. Ảnh minh họa - Dân trí.
Doanh nhân Lưu Hải Minh đã từng thành lập nhiều doanh nghiệp, nhưng cũng đã phải giải thể không ít trong số dó. Ông cho rằng thất bại sẽ đem lại bài học kinh nghiệm khi thành lập doanh nghiệp mới, nhưng không phải doanh nhân nào nào cũng có thể đứng dậy sau vấp ngã để khởi nghiệp lại.
"Khi đóng cửa nguồn vốn mất đi và danh dự của ông chủ doanh nghiệp có khi cũng mất theo. Rất nhiều ông chủ khi đóng cửa doanh nghiệp không bao giờ có thể làm một doanh nghiệp khác được vì họ đã không còn uy tín", ông Lưu Hải Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải nói.
Trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 33,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng ở tất cả các lĩnh vực.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: "Tình trạng này tác động rất lớn đến nền kinh tế bởi trong một chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều như vậy chúng tôi mất rất nhiều bạn hàng truyền thống trong thời gian qua".
"Việc tìm ra nguyên nhân vì sao doanh nghiệp phải dừng hoạt động và giải thể chúng ta chưa thực hiện được qua nhiều năm. Nếu họ dừng do các thủ tục bởi sự nhũng nhiễu điều này cần phải sửa đổi", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
Hai tháng đầu năm cũng đã có 1.1000 doanh nghiệp trở lại hoạt động và hơn 18.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tuy đều giảm về số lượng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tổng nguồn vốn tham gia thị trường lại cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nói: "Vốn đầu tư để tham gia vào nền kinh tế lớn hơn rất nhiều. Nhìn chung hai tháng đầu năm 2021 lại tăng trưởng khoảng 13% so với năm 2020. Riêng với doanh nghiệp mới số vốn đầu tư lại tăng trưởng là 55% so với cùng kỳ. Mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng bước đầu làm quen để có thể vượt qua dịch COVID-19 để ổn định và đảm bảo cho sản xuất từng bước phát triển".
Thành lập rồi giải thể doanh nghiệp là chuyện thường ngày trên thương trường. Tuy nhiên, cần có cơ chế tạo động lực khởi nghiệp lại để gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
VTV.vn - Trước làn sóng dịch thứ 3, các DN dệt may, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đã chủ động tìm thị trường ngách, linh hoạt các sản phẩm để đảm bảo lượng đơn hàng xuất khẩu năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.14051730290301202-oac-gnat-gnod-taoh-gnud-peihgn-hnaod-os/et-hnik/nv.vtv