Dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) nêu rõ qua phân tích biểu giá điện hiện trạng của Việt Nam và một số nước trong khu vực, nhận thấy biểu giá điện của một số nước có nhiều điểm tiến bộ hơn Việt Nam. Theo đó, giá điện minh bạch, rõ ràng theo từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ, các chính sách hỗ trợ rõ ràng.
Hướng tới biểu giá 2 thành phần
Theo Bộ Công Thương, các nước trong khu vực đều áp dụng biểu giá bán lẻ theo cấp điện áp, thời gian cao điểm - thấp điểm, theo bậc thang và phân theo các ngành kinh tế. Biểu giá điện thậm chí cũng được phân chia nhỏ để áp dụng riêng với từng ngành nghề kinh doanh đặc thù, các mức công suất tiêu thụ, các giờ sử dụng... Đây là những điểm chưa có trong biểu giá bán lẻ điện hiện hành của Việt Nam và cũng là những nội dung đã từng được nhiều chuyên gia lên tiếng góp ý trong những lần lấy ý kiến về biểu giá điện trước đây.
Theo dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, mỗi năm ngành điện cần tới 12-13 tỉ USD .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Tiếp thu góp ý, tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương định hướng xây dựng biểu giá điện bậc thang vẫn là hợp lý nhất để đáp ứng các nguyên tắc cần thiết và phù hợp với đặc điểm của sản xuất, kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Đáng lưu ý, biểu giá điện phải theo hướng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, không quá nhiều bậc thang...
Từ đó, dự thảo đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng, xem xét thu phí cố định hằng tháng. Cụ thể, giá điện điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi, có hệ số giảm giá khi dùng ít điện, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng lớn, tách bạch chi phí dịch vụ hỗ trợ thị trường, chi phí vận hành hệ thống và quản trị thị trường... Tất nhiên, nguyên tắc xây dựng biểu giá điện phải bảo đảm bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý cho ngành điện để tiếp tục có nguồn đầu tư.
Đánh giá nội dung nêu trên tại bản dự thảo là khá tiến bộ, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh biểu giá điện và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống theo quý là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, hiện chi phí, giá thành điện đã được tính toán theo tháng một cách dễ dàng. Hạ tầng, công nghệ cũng đang ngày càng được nâng cao để đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh giá điện theo sát với biến động chi phí của thị trường hơn. Cùng với đó, về dài hạn, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được hình thành, việc điều chỉnh giá điện với tần suất thời gian hẹp hơn là phù hợp với xu thế cũng như định hướng chung.
Trong khi đó, một chuyên gia về giá năng lượng bày tỏ không lạc quan về hiệu quả của thị trường điện cạnh tranh, kể cả ở những nước có nền kinh tế thị trường đã phát triển ở cấp độ tự do cao. Đặc biệt, câu chuyện người dân kiệt quệ vì hóa đơn tiền điện tăng vọt trong thảm họa giá rét tại Texas (Mỹ) vào tháng 2-2021 cho thấy cần cẩn trọng hơn khi suy nghĩ về giá thị trường và giá nhà nước đối với sản phẩm đặc biệt là điện.
Thu hút đầu tư lớn chưa từng có
Theo dự thảo, nhu cầu tài chính cho triển khai quy hoạch là rất lớn, lên tới 12-13 tỉ USD/năm cho đến hết năm 2045, điều chưa từng có trong lịch sử. Nhu cầu đầu tư này được cho rằng nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp, tức là mức tiêu thụ điện phải nâng lên khoảng 6.000 KWh/người/năm như các quốc gia khác.
"Số liệu hết sức tham vọng" - vị chuyên gia về giá năng lượng nói trên nhận xét như vậy khi nhìn vào các kết quả của bản dự thảo quy hoạch đưa về mức tiêu dùng điện bình quân. Theo ông, mỗi quốc gia ở mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc thù riêng, nên không thể đặt vấn đề nâng mức tiêu thụ điện bình quân trên đầu người như các nước khác. Mặt khác, khi đặt mục tiêu tham vọng về tiêu dùng sẽ dẫn đến kết quả quy hoạch về nguồn và lưới phải tăng tương ứng, đòi hỏi lượng vốn đầu tư khổng lồ. Trong khi đó, làm thế nào để thu hút được lượng vốn này cũng là một trong các yêu cầu đầu ra ngặt nghèo để bảo đảm quy hoạch thành công.
Ông Trần Viết Ngãi cảnh báo huy động nguồn đầu tư như tham vọng của dự thảo đề án là rất khó bởi năng lực đầu tư trong nước còn yếu, giá điện chưa đủ hấp dẫn. Chỉ còn một cách là huy động vốn nước ngoài nhưng từ đây đặt ra đòi hỏi về cơ chế chính sách rộng mở, thông thoáng, đặc biệt là giá năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cân bằng được thu - chi. Song một vấn đề không đơn giản là giá điện luôn luôn là điểm rất "nhạy cảm", thường xuyên gặp phải phản ứng từ phía người sử dụng điện.
PGS-TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận vấn đề điều hành giá điện cần được xem xét thấu đáo bởi nhu cầu vốn đầu tư cho ngành này luôn ở mức cao trong khi ngành điện đang là con nợ khổng lồ dưới áp lực phải đầu tư không hề nhỏ. Hiệu quả kinh doanh của ngành rất thấp, lợi nhuận và khấu hao không bảo đảm nổi 30% vốn tự có cho các công trình xây dựng mới chắc chắn sẽ đẩy ngành điện vào thế không thể tìm đâu ra nguồn tài chính để triển khai quy hoạch trong tương lai. "Tôi cho rằng Chính phủ đang lúng túng trong việc điều hành giá điện. Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam cần có lộ trình tăng giá bán điện lên 10-11 cents USD/KWh để bảo đảm hiệu quả đầu tư cho các công trình điện nhưng việc thực hiện lộ trình này luôn bị phá sản do gặp phải dư luận phản đối của người tiêu dùng trước mỗi kỳ đưa ra đề án tăng giá điện" - ông Bình nói và cho rằng bản dự thảo đã không đưa ra được bất cứ tính toán cân đối cụ thể nào, ít nhất là những con số mà bản thân ngành điện có thể đảm nhận được từ nguồn lợi nhuận và khấu hao hằng năm để thấy được tính cấp thiết phải huy động từ nguồn xã hội hóa bởi điều này liên quan đến chính sách điều hành giá điện, nói cách khác là áp lực tăng giá điện trong tương lai.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-3
Thiếu kế hoạch phát triển thị trường điện
TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng Bộ môn Hệ thống Điện Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM), nhận xét dự thảo thiếu hẳn nội dung quan trọng về chiến lược và kế hoạch phát triển thị trường điện. Nội dung này chỉ được tích hợp một phần nhỏ trong chương 13 về điều độ và thông tin hệ thống điện Việt Nam, thay vì xem xét việc phát triển thị trường điện là một trọng tâm trong đổi mới phương thức vận hành hệ thống điện.
Hiện tại, thị trường điện Việt Nam đã chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) với 98 nhà máy điện có tổng công suất lắp đặt 25.730 MW đã tham gia thị trường điện, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống, tính đến ngày 31-12-2019. Dù công việc phục vụ cho vận hành VWEM đã sẵn sàng nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước và một trong những khó khăn là phải xây dựng cơ chế bù chéo giữa các tổng công ty điện lực bởi khâu phát điện đã được thực hiện theo giá thị trường trong khi giá bán lẻ điện vẫn phải chịu sự điều tiết.
Về phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cũng phát sinh nhiều vấn đề thách thức mới đối với cơ quan điều hành thị trường như đấu thầu đầu tư nguồn mới, xây dựng thị trường công suất, thay đổi về quy định thị trường điện (giá nút, thị trường bán lẻ, mô hình chào giá 2 phía cung - cầu), điều chỉnh phụ tải (hành vi khách hàng thay đổi theo giá, áp dụng các dụng cụ điện thông minh)...
Xem thêm: mth.85565811290301202-ohk-naot-iab-neid-aig-iiiv-neid-hcaoh-yuq-oaht-ud/et-hnik/nv.moc.dln