VNG Games là một nhánh của Công ty Cổ phần VNG, chuyên cung cấp, phân phối trò chơi điện tử trực tuyến.
Ông Lê Hồng Minh sinh ngày 27/09/1977, ông là nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG. VNG trước khi trở thành tập đoàn nghìn tỷ như bây giờ thì ít ai ngờ rằng từng là một tiệm cafe net mô hình nhỏ. Doanh nhân Lê Hồng Minh từng theo học ngành tài chính ngân hàng ở Úc.
Năm 2001, ông Lê Hồng Minh quyết định về Việt Nam, làm việc tại một công ty tín dụng. Năm 2004, ông cùng các cộng sự của mình thành lập lên VNG, bước đi lớn đầu đầu tiên là mua bản quyền của game MU tại Hàn Quốc, tuy nhiên vì công ty quá nhỏ nên đã bị từ chối.
Năm 2005, VNG ra mắt game Võ Lâm Truyền Kỳ, game này cũng đạt tới 1 triệu người chơi, từ đó VNG chính thức vươn ra biển lớn. Từ thành công của mảng game, Chủ tịch Lê Hồng Minh vươn ra nhiều lĩnh vực công nghệ khác. Bên cạnh việc mua bản quyền và phát triển các trò chơi, VNG còn phát triển nhiều mảng công nghệ khác như cung cấp nội dung số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, mạng xã hội.
Theo báo cáo tài chính được VNG công bố, vài năm trở lại đây, doanh nghiệp liên tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mỗi năm. Cụ thể, năm 2017, doanh thu của VNG đạt 4.266 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên mức 5.178 tỷ đồng và vượt mức 6.000 tỷ đồng trong năm 2020 vừa qua - giai đoạn cực kỳ khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.
Lợi nhuận sau thuế của VNG trong năm 2020 cũng lên đến 190 tỷ đồng mặc dù năm 2020 là năm ảnh hưởng cực lớn của dịch bệnh covid-19.
Tổng tài sản của VNG tính đến ngày 31/12/2020 là 7.818 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn - chiếm gần 60% tổng tài sản. Cụ thể, VNG đang có 2.419 tỷ gửi ngân hàng thời hạn dưới 3 tháng với lãi suất dao động đến 4%/năm và 2.099 tỷ đồng gửi ngân hàng thời hạn dưới 1 năm với lãi suất 7,9%/năm.
Không chỉ là "ông trùm" trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến, thanh toán điện tử, công nghệ, doanh nhân Lê Hồng Minh còn được biết đến như người đứng sau của sàn thương mại điện tử Tiki. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2020, VNG nắm tới 22,27% quyền sở hữu và biểu quyết của Tiki.
Ngoài Tiki, VNG còn đầu tư vào các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ truyền thông Thanh Sơn với 49% quyền sở hữu và biểu quyết, Công ty Cổ phần công nghệ Ecotruck với 20% quyền sở hữu và biểu quyết.