Genetica là công ty phát triển và sở hữu công nghệ giải mã gen độc quyền, chuyên sâu dành riêng cho người châu Á. Phòng lab của Genetica đang sở hữu chứng chỉ CLIA, CAP, là những chứng chỉ nghiêm ngặt bậc nhất tại Hoa Kỳ cho các phòng thí nghiệm về xét nghiệm gen. Kết quả báo cáo được thẩm định bởi đội ngũ khoa học thuộc các trường đại học hàng đầu như Harvard, Stanford, California San Francisco, Cornell.
Mới đây, chỉ trong 30 ngày, họ đã thành công huy động 2,5 triệu USD ở vòng gọi vốn tiền Serie A từ các nhà đầu tư chuyên đi săn ‘kỳ lân’ của Silicon Valley để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Trong các nhà đầu tư mạo hiểm, nổi bật có 3 cái tên: Dave Strohm, Craig Sherman và Guy Miasnik.
Ông Dave Strohm là một nhà đầu tư mạo hiểm, tập trung chủ yếu vào các công ty công nghệ thông tin. Dave gia nhập Greylock Partners vào năm 1980 và bắt đầu hành trình săn ‘kỳ lân’ như: Facebook, Airbnb, Gofundme, Instagram, Linkedin, Dropbox... từ đó. Dave Strohm đã đầu tư/lãnh đạo và dẫn dắt Greylock tham gia đầu tư trong hơn 30 công ty, hầu hết từ giai đoạn hạt giống.
Ông Craig Sherman là Partner và Giám đốc điều hành tại Meritech Capital - một quỹ đầu tư mạo hiểm của nhiều ông lớn như Facebook, Roblox, 10XGenomics, salesforce, DUO... Craig tập trung chủ yếu vào các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và dịch vụ tiêu dùng. Craig đã lãnh đạo các khoản đầu tư của quỹ vào Evernote, Zulily, Lynda.com và Ariosa Diagnostics. Trước Meritech Capital, Craig là Giám đốc điều hành của Gaia Interactive.
Một vài công ty trong danh mục đầu tư của Meritech Capital.
Cuối cùng, ông Guy Miasnik là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, nhà đầu tư và cố vấn/giám đốc khởi nghiệp, tập trung vào thị trường an ninh và an toàn công cộng/doanh nghiệp và sinh tin học. Guy là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của AtHoc – công ty chuyên về an toàn công cộng và an ninh doanh nghiệp, được BlackBerry mua lại vào năm 2015 với giá 300 triệu USD.
Theo Genetica, một trong những lý do trọng yếu giúp công ty nhanh chóng thuyết phục được các nhà đầu tư, chính là việc nắm trong tay công nghệ lõi chuyên biệt về giải mã gen dành riêng cho người châu Á.
Bởi, theo báo cáo của BBC Research năm 2020 (Direct-to-consumer Genetic Testing - Global Market and Technology), tình trạng thiếu vắng công nghệ giải mã gen chuyên biệt cho chủng người châu Á dẫn đến hạn chế dữ liệu gen của người châu Á. Dự báo cho rằng, ngay cả đến 5 năm sau, dữ liệu gen châu Á chỉ chiếm tầm 14% trong dữ liệu chung (còn lại 80% là gen người da trắng).
Để phát triển công nghệ lõi thành công đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Khoa Học Máy Học và Công Nghệ Sinh Học Phân Tử cùng công tác R&D lâu hàng chục năm. May mắn thay, Genetica đã cùng lúc sở hữu tất cả những yếu tố nói trên. Việc Genetica có thể phát triển và hoàn thiện công nghệ độc quyền đã khiến công ty nhanh chóng ‘lọt vào mắt xanh" của các nhà đầu tư công nghệ sừng sỏ.
Đồng thời, chuyện Genetica nhanh chóng thu hút hơn 10.000 người dùng trong 12 tháng đầu tiên giới thiệu ra thị trường, đã chứng minh sự tiếp nhận khả quan từ phía người dùng cá nhân có nhu cầu cá nhân hoá chế độ ăn uống luyện tập và phòng bệnh. Việc nhanh chóng hoàn tất giai đoạn Product-Market Fit đã giúp startup này trở thành đối tác của hàng loạt tên tuổi uy tín trong lĩnh vực y tế và dịch vụ.
Genetica dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 10 lần lượng người dùng vào năm 2021, để trở thành một trong những công ty tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á trong lĩnh vực xét nghiệm gen dành cho thị trường tiêu dùng cuối.
Đội ngũ sáng lập tinh nhuệ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Genetica quyến rũ được các nhà đầu tư uy tín. Có thể nói, đội ngũ sáng lập của Genetica đều là những gương mặt kỳ cựu trong chính lĩnh vực của mình. Mỗi thành viên hiện tại đang đóng vai cốt lõi tạo tạo nên tam trụ vững chắc cho công ty.
CTO Cao Anh Tuấn - linh hồn của Genetica.
Đầu tiên là CTO Cao Anh Tuấn, người giữ trọng trách xây dựng công nghệ máy học độc quyền cho công ty. Ông là cựu kỹ sư cấp cao của Google tại Mỹ. Trong quá trình làm việc tại Google, ông từng là thành viên quan trọng của nhóm xây dựng cơ sở dữ liệu phân tán toàn cầu đầu tiên và lớn nhất. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống dữ liệu của Google ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Á xử lý dữ liệu tốt nhất trong thời gian thực.
Sau khi rời Google, ông Tuấn giữ vai trò Trưởng khoa Khoa dọc dữ liệu của Datometry, có nhiệm vụ xây dựng nền tảng ảo hoá cơ sở dữ liệu đầu tiên của ngành, giúp định hình cảnh quan cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu của thế giới. Cao Anh Tuấn tốt nghiệp Tiến sỹ ngành khoa học máy tính của trường Đại học Cornell (Mỹ).
Thứ hai là Giám đốc khoa học Bùi Thanh Duyên. Bà Duyên là người đứng sau thiết kế độc quyền chip giải mã gen, chuyên biệt và chuyên sâu bậc nhất thế giới dành riêng cho người châu Á. Bà Duyên còn lãnh đạo đội ngũ khoa học, đội ngũ chuyên viên phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn CLIA tại Mỹ, hợp tác chuyên sâu cùng các công ty sản xuất chip giải mã gen hàng đầu thế giới như Illumina và Thermo Fisher.
Bà Bùi Thanh Duyên tốt nghiệp Tiến sỹ ngành di truyền học và sinh học phân tử tại Đại học Cornell và từng có thời gian nghiên cứu tại trường Y, khoa Miễn dịch học thuộc Đại học California - San Francisco.
Thủ lĩnh cuối cùng của Genetica là bà Phạm Vũ Thanh Giang, giữ vai trò CXO - chịu trách nhiệm kinh doanh và vận hành của công ty. Trước khi gia nhập Genetica, bà Giang đã có hơn 10 năm phát triển và dẫn dắt nhiều doanh nghiệp về ngành hàng tiêu dùng trong vai đồng Tổng giám đốc của quỹ đầu tư tư nhân số một tại Việt Nam - Mekong Capital. Mekong Capital là cái tên đứng sau thành công của những ‘kỳ lân’ Việt Nam nổi tiếng như Thế Giới Di Động, PNJ, hệ thống trường quốc tế Việt Úc, FPT, Masan Food, Digiworld...
Hiện tại, Genetica đang gặp gỡ những nhà đầu tư trong khu vực cho vòng gọi vốn Serie A tiếp theo. Mục tiêu là mở rộng vận hành và phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á trong năm 2021 cũng như tương lai.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị