Bộ Tài chính đã bác phương án nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu được cho là “gạt nhà đầu tư nhỏ lẻ ra ngoài lề”.
Còn lại phương án khả thi nào?
3 phương án trước đây được xem là giải pháp tình thế giải quyết tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HoSE, gồm: Chuyển sàn giao dịch một số doanh nghiệp niêm yết từ HoSE sang HNX, nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE lên 1.000 cổ phiếu, xem xét tạm bỏ lệnh hủy, sửa.
Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bác phương án nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, số giải pháp trên chỉ còn 2.
Và 1 trong 2 đề xuất còn lại là xem xét bỏ lệnh hủy, sửa cũng đang bị nhà đầu tư phản ứng dữ dội, vì thế số phương án khả thi được đề xuất từ ban đầu chỉ còn lại 1.
Trên thực tế, phương án chuyển sàn sang HNX cho một số doanh nghiệp được cho là khả thi cao, và cũng đã có thông tin một số doanh nghiệp có thể hưởng ứng.
Tuy nhiên, tình thế lúc này thêm một lần nữa có sự chuyển biến khác đi, đó là đề xuất để các công ty công nghệ thông tin trong nước tham gia cung cấp giải pháp khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE, như FPT, Viettel…
Trong đó, 1 trong 2 phương án phát sinh mới nhất được bàn thảo là chuyển một số doanh nghiệp từ sàn HoSE sang giao dịch trên sàn HNX nhưng với một bảng riêng, được định danh là HoSE và theo đúng các qui định, phương thức của sàn này.
Phương án còn lại, để một số công ty công nghệ trong nước triển khai hệ thống giao dịch mới trong khi chờ dự án kí kết với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) được đưa vào vận hành.
Cả 2 giải pháp mới đề cập ở trên đều cần có thời gian, có thể lên đến vài ba tháng.
“Ngổn ngang” giải pháp, càng chốt muộn càng thiệt!
Việc bàn giải pháp khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán trên HoSE đã được nâng lên tầm ở cấp bộ khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng quyết định thành lập tổ công tác đặc trách vấn đề này do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng.
Khi việc giải quyết, xử lí vấn đề được nâng tầm thì việc bàn thảo giải pháp cũng được mở rộng hơn. Một số giải pháp trước đó được đề xuất bị bác, hoặc tiếp tục bị dư luận phản ứng, trong khi các giải pháp đề xuất mới đòi hỏi không ít thời gian để có thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, một “bình thường mới” trên sàn HoSE hiện nay là “đến hẹn lại lên” cứ mỗi phiên giao dịch chiều là lại bị nghẽn lệnh.
Bàn nhiều, bàn sâu, nhưng không thể cứ để ngổn ngang bàn đi bàn lại mà không thể chốt sớm, thì tình trạng nghẽn lệnh còn tiếp tục gây tác động xấu đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế. Sàn HoSE cũng bị giảm thu vì thanh khoản thị trường bị giảm do nghẽn lệnh, từ đó dẫn đến thu ngân sách cũng bị giảm theo.
Theo đánh giá, sàn HoSE trong những ngày qua nếu không bị nghẽn lệnh thanh khoản có thể đạt từ 18.000-20.000 tỉ đồng/phiên trong bối cảnh số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục tăng mạnh. Còn hiện nay, một thực tế trái khoáy là HoSE phải “từ chối” lệnh giao dịch, đồng nghĩa là từ bỏ doanh thu.
Chính vì thanh khoản đang bị bóp lại không phản ánh đúng nhu cầu giao dịch của thị trường, thị trường mất đi cơ hội có được dòng tiền mạnh hơn thúc đẩy VN-Index bứt phá tiến lên những đỉnh mới.